Cuộc cải tổ của Alibaba mở đường cho các tập đoàn công nghệ Trung Quốc “nối gót”?

Kim Huệ-Thứ bảy, ngày 01/04/2023 13:57 GMT+7

VTV.vn - Cuộc cải tổ lớn nhất trong lịch sử Alibaba liệu có trở thành một khuôn mẫu để ngành công nghệ Trung Quốc đi theo?

Alibaba quyết định chia tách thành 6 đơn vị

"Đế chế" trị giá 220 tỷ USD của Alibaba chia ra thành 6 công ty, tự gây quỹ bán cổ phiếu riêng biệt.

Alibaba vốn từ lâu dựa vào thương mại điện tử là hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình. Tuy nhiên, tập đoàn này đã đưa ra một quyết định hiếm có, tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn mẹ và các công ty con.

Mỗi đơn vị kinh doanh sẽ có giám đốc điều hành riêng, linh hoạt trong việc huy động vốn từ bên ngoài và có khả năng IPO một cách độc lập.

Phần thân chính là mảng kinh doanh cốt lõi, bao gồm thị trường thương mại điện tử thống trị trong nước của Alibaba chiếm hơn 2/3 tổng doanh thu của tập đoàn.

Trong số 6 phân khúc tách ra từ Alibaba, phân khúc điện toán đám mây tạo được nhiều sự chú ý nhất. Giám đốc điều hành Daniel Zhang sẽ đứng đầu bộ phận này, đánh dấu tầm quan trọng của mảng công nghệ trí thông minh nhân tạo, vốn được kỳ vọng sẽ là phân khúc dẫn đầu trong tương lai.

Cuộc cải tổ của Alibaba mở đường cho các tập đoàn công nghệ Trung Quốc “nối gót”? - Ảnh 1.

Tập đoàn Alibaba đã đưa ra một quyết định hiếm có, tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn mẹ và các công ty con. (Ảnh: VCG)

Trong phân khúc này bao gồm đơn vị điện toán đám mây Aliyun hiện đang thống trị lĩnh vực điện toán đám mây tại Trung Quốc, với 36% thị phần, và bộ phận nghiên cứu về chip và trí tuệ nhân tạo (DAMO), cũng như Dingtalk, ứng dụng nhắn tin tại nơi làm việc của công ty. Đây cũng là phân khúc được dự báo dễ dàng IPO nhất.

Nhóm thương mại kỹ thuật số toàn cầu bao gồm các doanh nghiệp thương mại điện tử quốc tế của Alibaba, như nền tảng bán lẻ xuyên biên giới AliExpress, hay Lazada. Các nền tảng này chỉ chiếm 8% tổng doanh thu của Alibaba.

Nhóm dịch vụ địa phương sẽ bao gồm dịch vụ giao đồ ăn của Alibaba cũng như việc lập bản đồ của dịch vụ này (Ele.me, Amap). Phân khúc này chiếm 5% tổng doanh thu của Alibaba.

Bên cạnh đó, Cainiao tiếp tục cung cấp dịch vụ hậu cần lớn ở Trung Quốc, phục vụ cả Alibaba và khách hàng bên thứ 3. Phân khúc này chiếm 7% tổng doanh thu của Alibaba.

Trong khi nhóm giải trí và truyền thông kỹ thuật số, bao gồm hoạt động kinh doanh phim và phát trực tuyến của Alibaba (Youku, Alibaba Pictures), chiếm 3,5% tổng doanh thu của Alibaba.

Ngay sau khi thông tin này được công bố, cổ phiếu của Alibaba tăng hơn 15% trên thị trường chứng khoán phố Wall, vốn hóa công ty cũng tăng hơn 30 tỷ USD, tạo đà thúc đẩy một đợt phục hồi cho các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc khác.

Bên ngoài Trung Quốc, giới đầu tư và ngân hàng đều phản hồi tích cực kế hoạch tái cấu trúc của Alibaba. Morgan Stanley hiện ước tính tổng giá trị các công ty Alibaba con, sau khi được chia tách, có trị giá vượt qua giá trị trước kia của hãng, lên đến 530 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi giá trị hiện tại.

Lý do đằng sau cho sự chia tách của Alibaba?

Tổng Giám đốc Tập đoàn Alibaba Trương Dũng khi gặp gỡ các nhà đầu tư đã nhấn mạnh, lý do chia tách là làm cho các công ty chuyên về một lĩnh vực năng động hơn, các lãnh đạo của công ty tự chủ ra quyết định nhanh chóng để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường và đưa các lĩnh vực tiến xa hơn.

Trong môi trường công nghệ, thương mại điện tử cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc nâng cao tính cạnh tranh bằng kêu gọi các tổ chức cá nhân giàu tiềm năng về tài chính kinh nghiệm tham gia vào các công ty nhỏ thông qua IPO phát hành cổ phiếu làm cho công ty lớn mạnh hơn.

Tuy nhiên ai cũng hiểu, sự chia tách mạnh của đế chế với tài sản hàng trăm tỷ USD này có nguyên nhân sâu xa là tái cấu trúc theo chủ trương của Chính phủ Trung Quốc nhằm phù hợp với luật chống độc quyền. Một tập đoàn quá lớn chi phối khó tạo môi trường tốt cho nở rộ các ý tưởng khởi nghiệp theo mong muốn của Chính phủ Trung Quốc. Công ty nhỏ hơn cũng giúp cho việc đưa ra thị trường quốc tế thuận tiện hơn, ít bị những rào cản liên quan đến an ninh quốc gia, cạnh tranh chiến lược về công nghệ giữa các nước.

Jack Ma lần đầu tiên xuất hiện sau hơn 1 năm

Được biết việc tái cấu trúc lại Alibaba, một trong những công ty mang tính biểu tưởng của Trung Quốc, diễn ra 1 ngày sau khi nhà sáng lập hãng này, tỷ phú Jack Ma xuất hiện trở lại.

Kể từ sau cú vạ miệng của nhà sáng lập Jack Ma vào tháng 10/2020, Alibaba rơi vào tầm ngắm của các cơ quan chức năng.

Tỷ phú Jack Ma sau đó gần như biến mất trên mọi phương tiện truyền thông sau hơn 1 năm. Mới đây, ông đã xuất hiện trở lại, đi thăm một ngôi trường ở Hàng Châu, quê nhà của ông. Sự trở lại của vị doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc được kỳ vọng có thể dập tắt những lo ngại của các doanh nghiệp sau thời gian bị siết chặt, với các quy định kéo dài 2 năm qua.

Sự tái xuất công khai của Jack Ma được đồn đoán rằng là ẩn dụ cho việc chính quyền Trung Quốc đang nới lỏng kiểm soát với những tập đoàn thương mại lớn nhất tại quốc gia này, một nỗ lực hồi phục nền kinh tế sau nhiều năm áp dụng chính sách chống dịch COVID-19.

Không khí chung là hoan nghênh sự trở lại của người đồng sáng lập Alibaba. Ở Trung Quốc, thường khi được đề cập rầm rộ trên mạng, trên báo là ngầm gửi một thông điệp từ chính quyền. Ở đây là xu thế kinh tế tư nhân đang được nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc đề cập trong kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa mới vừa qua. Nó phù hợp với sự cổ vũ kinh tế tư nhân đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế đang khó khăn hậu COVID-19, cũng như nhằm huy động các thành phần kinh tế cho mục tiêu chiến lược tự cường về công nghệ.

Nhiều người ảnh hưởng trên mạng xã hội tại Trung Quốc cũng nhấn mạnh JackMa trở về, sự nghiệp của ông là ở Trung Quốc nên ông trở về là đương nhiên. Một số thế lực phương Tây khó bôi nhọ chủ trương ủng hộ các thành phần kinh tế tư nhân của Trung Quốc.

Cuộc cải tổ của Alibaba mở đường cho các tập đoàn công nghệ Trung Quốc “nối gót”? - Ảnh 2.

Tỷ phú Jack Ma. (Ảnh: CNBC)

Ngay sau khi Jack Ma trở về, tập đoàn tái cấu trúc thành các công ty nhỏ cũng gửi đi thông điệp về xu thế chia tách các tập đoàn công nghệ theo chủ trương Chính phủ Trung Quốc.

Một nguồn tin cho hay Tập đoàn JD, một đế chế công nghệ hàng đầu ở Trung Quốc cũng có kế hoạch chia tách. Đó được xem là một triển vọng sáng sủa hơn cho các tập đoàn công nghệ sau khi bị chính phủ Trung Quốc siết chặt kiểm soát vừa qua.

Làn sóng tái cấu trúc các tập đoàn công nghệ lớn Trung Quốc?

Câu hỏi được nhiều người có thể quan tâm đó là liệu cuộc "đại tu" lớn nhất trong lịch sử của Alibaba có thể đóng vai trò là hình mẫu cho sự cải tổ trong lĩnh vực công nghệ rộng lớn hơn tại Trung Quốc không? Nếu thành công, Bắc Kinh sẽ đạt được mục tiêu là hạn chế sự độc quyền của các tập đoàn công nghệ tư nhân, trong khi vẫn giải phóng được giá trị cho cổ đông sở hữu chúng. VTV Money đã có cuộc phỏng vấn với ông Kelvin Ho - Giám đốc mảng Công nghệ của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Rating's khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo các chuyên gia, chiếc "vòng kim cô" lên lĩnh vực công nghệ phần nào đã được Chính phủ Trung Quốc nới lỏng kể từ đầu năm 2022. Vai trò của khối kinh tế tư nhân cũng được nhấn mạnh rõ ràng hơn trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang ở giai đoạn "hạ cánh" so với cách đây 1 thập kỷ.

Việc cải tổ của Alibaba thực tế đã làm "an lòng" giới chức Trung Quốc về mối lo độc quyền. Sau động thái chia tách này, cơ bản thị phần của Alibaba vẫn không hề bị phá vỡ trong các mảng miếng kinh doanh. Do vậy mô hình này có thể mở đường cho các tập đoàn công nghệ lớn đa lĩnh vực tại Trung Quốc "nối gót".

"Tôi nghĩ rằng không loại trừ khả năng các tập đoàn công nghệ lớn khác ở Trung Quốc có thể đi theo xu hướng này. Trên thực tế, một số tập đoàn đã thoái vốn hoặc giảm tỷ lệ vốn chủ sở hữu của họ trong các mảng kinh doanh không cốt lõi hoặc bán bớt khoản đầu tư của họ vào các công ty được đầu tư. Từ góc độ tín dụng, việc tái cấu trúc hoặc thoái vốn khỏi các mảng không cốt yếu sẽ giúp giảm đòn bẩy tài chính phải sử dụng, tối đa hóa dòng tiền huy động từ cổ đông thông qua mua lại cổ phần", ông Kelvin Ho, Giám đốc mảng Công nghệ, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Rating's khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết.

Thị trường cũng cho rằng, Tencent Holdings có lẽ là ứng cử viên hàng đầu tiến hành tái cấu trúc tiếp theo sau Aliaba, vì tập đoàn này có rất nhiều đơn vị có khả năng hoạt động độc lập.

"Rõ ràng giới đầu tư có thể nghĩ về việc liệu Tencent có là cái tên Big Tech tiếp theo tái cơ cấu giống Alibaba hay không. Nhưng tôi nghĩ, không giống như Alibaba với nhiều lĩnh vực kinh doanh trải dài, các hoạt động kinh doanh của Tencent chủ yếu là mảng giải trí, mạng xã hội và nền tảng thanh toán. Vì vậy, nếu Tencent được tái cơ cấu, thì kế hoạch sẽ khác đi một chút", ông Kelvin Ho cho biết thêm.

Cổ phiếu của Tencent giao dịch tại Mỹ kết thúc tuần qua đã tăng hơn 8%.

Tập đoàn bán lẻ trực tuyến JD.com cũng đang có kế hoạch niêm yết các đơn vị vận chuyển. Cái tên tiếp theo có thể kể đến là tập đoàn công nghệ Baidu với hoạt động kinh doanh đa dạng từ công cụ tìm kiếm trực tuyến cho đến xe tự lái.

Đây không phải là lần đầu tiên Alibaba thành công trong việc tách nhỏ. Dịch vụ chi trả Alipay từng "rời tổ" vào năm 2010, dẫn đến sự thành lập của Ant Group Co. Hãng tài chính này đã nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Jack Ma.

Ant Group từng có ý định thực hiện một đợt IPO được mong đợi là lớn nhất từ trước đến nay, tuy nhiên đã bị cơ quan chức năng bãi bỏ. Nhiều nhà phân tích cho rằng kế hoạch chia tách của Alibaba có thể mở đường cho Ant Group nối bước, tiếp tục với kế hoạch IPO từng bỏ dở.

'Phép thử' Alibaba "Phép thử" Alibaba

VTV.vn - CEO Daniel Zhang đã lên tiếng trấn an các nhà đầu tư khi Alibaba công bố kế hoạch chia tách đầy bất ngờ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước