Cuộc đàm phán lịch sử tại Thượng đỉnh châu Âu: Khó tìm được sự đồng thuận

Lê Hồng Quang, phóng viên THVN từ Hội đồng châu Âu-Thứ hai, ngày 20/07/2020 23:19 GMT+7

VTV.vn - Lãnh đạo các nước châu Âu đã họp cả đêm 19/7 cho đến 6h ngày 20/7 vẫn chưa thỏa thuận được về phân bổ ngân sách phục hồi kinh tế sau đại dịch trị giá tới 750 tỷ Euro.

Hội nghị thượng đỉnh dự kiến 2 ngày nhưng hiện tại đã quá 3 ngày vẫn chưa có kết quả. 27 quốc gia phải đồng thuận tuyệt đối luôn là chuyện khó, đồng thuận tuyệt đối về tiền nong thì còn khó hơn nhiều. Ngay từ sáng thứ Sáu tuần trước (17/7), tất cả đã hiểu là đàm phán rồi sẽ rất gian nan.

Thủ tướng Đức Angela Merket nói: "Tôi phải nói rằng khác biệt vẫn còn rất lớn. Chưa thể nói liệu chúng tôi có thoả thuận được lần này hay không".

Ngân sách chung dài hạn cũng như trợ cấp COVID-19 không tạo ra nhiều bất đồng như 750 tỷ Euro của quỹ Phục hồi kinh tế. Tất cả các nước đều đồng ý phải gom cho được 750 tỷ Euro nhưng phân bổ thế nào vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Đức và Pháp đề xuất cấp thẳng không cần hoàn lại 500 tỷ Euro cho các nước và các ngành bị thiệt hại nhất do đại dịch, 250 tỷ Euro còn lại cho vay ưu đãi. Áo, Hà Lan, Đan Mạch và Thuỵ Điển lại muốn toàn bộ số tiền chỉ được phân bổ theo cách cho vay và là vay có điều kiện chứ không thể cho không.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói: "Các khoản vay chỉ được dành cho những nơi thực sự cần. Phải chắc chắn rằng các nước nhận tiền sẽ chỉ sử dụng khoản vay ưu đãi đó vào đúng mục đích phục hồi những ngành bị thiệt hại do đại dịch".

Cuộc đàm phán lịch sử tại Thượng đỉnh châu Âu: Khó tìm được sự đồng thuận - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel (P), trao đổi cùng với Tổng thống Pháp, Emmanuel Macro (G) và Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhân phiên họp thượng đỉnh Liên hiệp châu Âu ngày 17/07/2020. (Ảnh: AP)

Đàm phán bế tắc vì những nước bị thiệt hại nhiều nhất do đại dịch, rồi đây sẽ nhận trợ giúp từ quỹ phục hồi kinh tế lại là Italy và Tây Ban Nha, trong quá khứ đã từng chi dùng ngân sách phóng tay.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết: "Chúng tôi đang bế tắc. Mọi chuyện phức tạp hơn nhiều so với dự kiến. Có nhiều vấn đề vẫn đang được thảo luận và không thể tìm ra giải pháp".

Ngày 19/7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu đề xuất tăng tỷ lệ cho vay, giảm tỷ lệ cho hẳn, nhưng đàm phán vẫn không tiến triển. Đức, Pháp và nhiều nước khác tuyên bố 400 tỷ Euro cho hẳn là mức sàn, không thể giảm thêm được nữa.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết: "Chúng ta phải thỏa thoả thuận cho bằng được. Tuy nhiên, thoả thuận cách nào thì cũng không được làm tổn hại tới nền tảng ngôi nhà chung châu Âu".

Gần 6h sáng nay (20/7), lãnh đạo châu Âu mới tạm chia tay sau một đêm thức trắng. Hội nghị tiếp tục lúc 16h chiều nay. Một trong những đề xuất cốt để làm vừa lòng các nước đóng góp nhiều, là cơ chế "phanh khẩn cấp". Nếu phát hiện một nước nhận tiền hỗ trợ mà không tôn trọng cam kết, bất cứ một nước nào khác cũng có quyền kích hoạt cơ chế tạm ngưng tài trợ. Đây là lần đầu tiên từ 20 năm trở lại đây, Thượng đỉnh châu Âu kéo dài tới 4 ngày và có thể còn dài hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước