Hai ứng cử viên của chiếc ghế Tổng thống Mỹ 2020: Joe Biden(trái) và Donald Trump (phải). Ảnh: Getty
Cuộc bầu tử Tổng thống Mỹ năm 2020 có thể tiêu tốn gần 11 tỷ USD ở cấp liên bang, một con số kỷ lục so với mọi kỳ bầu cử Tổng thống trong lịch sử nước Mỹ, theo báo cáo từ Trung tâm Chính trị Đáp ứng. Vào năm 2016, tổng chi phí mà Ủy ban Chính trị Liên bang và các ứng cử viên chi trả chỉ rơi vào khoảng 6,5 tỷ USD. Cuộc bầu cử năm 2012 cũng chỉ tiêu tốn 6,3 tỷ USD.
Thậm chí, theo Business Insider thì ngay cả trong trường hợp các bên ngừng bơm thêm tiền ngay lúc này thì cuộc đua vào Nhà trắng năm 2020 vẫn đạt danh hiệu "cuộc bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ". Tổng chi phí cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội cho đến nay là 7,2 tỷ USD. Trong đó, Đảng Dân chủ chi nhiều hơn các đối thủ của Đảng Cộng hòa.
Các ứng cử viên kiếm tiền từ đâu?
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra. Ảnh: Getty
Theo số liệu do Viện Vận động Tài chính (CFI) có trụ sở ở thủ đô Washington công bố cuối tháng 8, các ứng viên chạy đua tới ghế Tổng thống hay ghế nghị sĩ Mỹ có rất nhiều cách để quyên tiền vận động tranh cử, song chủ yếu dựa vào các nguồn chính như tiền của cá nhân và gia đình, huy động tài chính từ các nhóm lợi ích, các ủy ban hành động chính trị (PAC)…
Ngoài ra, các ứng cử viên còn được tài trợ một khoản tiền từ Quỹ Bầu cử. Quỹ này được thành lập năm 1971, theo đó mỗi người dân đóng thuế sẽ trích một USD để ủng hộ vào Quỹ Bầu cử. Từ năm 1994, mức đóng góp này được nâng lên thành 3 USD.
Trong chiến dịch bầu cử Tổng thống 2016, ứng cử viên tiêu biểu cho nhóm "bỏ tiền túi" để vận động tranh cử là tỷ phú bất động sản Donald Trump.
Việc dựa vào một số lượng đông đảo các nhà ủng hộ để gây quỹ tranh cử tạo ra một số lợi thế lớn cho các ứng cử viên vì điều đó đồng nghĩa với việc có nhiều cử tri đầu tư và đặt cược vào thành công của họ.
Bên cạnh đó, cũng phải kể tới nhóm các ứng cử viên có nguồn tài chính hùng mạnh nhờ biết đồng thời gây quỹ tranh cử từ nguồn tiền ủng hộ của các tỷ phú, các tập đoàn và cả các cử tri đơn lẻ.
Sarah Bryner, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Chính trị Đáp ứng, cho biết: "Các nhà tài trợ trong phạm vi chính trị có đủ động lực để tăng cường đổ tiền vào các chiến dịch. Mặt khác, các nhà tài trợ nhỏ ngày càng tăng và chiếm một phần đáng kể trong danh sách tài trợ".
Một điều đáng chú ý khác là sự phát triển của nền tảng gây quỹ trực tuyến ActBlue của Đảng Dân chủ và WinRed của Đảng Cộng hòa đã góp phần giúp người Mỹ dễ dàng thực hiện mực tiêu tranh cử hơn bao giờ hết. Chỉ với một cú nhấp chuột, trong vòng 20 giây, 50 USD đã được chuyển tới chiến dịch tranh cử Tổng thống của Đảng Dân chủ hoặc ngược lại.
Trong chiến dịch bầu cử tổng thống 2016, ứng cử viên tiêu biểu cho nhóm “bỏ tiền túi” để vận động tranh cử là tỷ phú bất động sản Donald Trump. Ảnh: Getty.
Các nhà tài trợ nhỏ lẻ này đóng góp ít hơn 200 USD/người, nhưng lại chiếm 22% tổng số tiền gây quỹ của các Ủy ban Chính trị Liên bang trong cuộc bầu cử năm 2020. Trong giai đoạn tranh cử 2016, tỷ lệ này chỉ chiếm 14% tổng số tiền gây quỹ, báo cáo của Trung tâm Chính trị Đáp ứng cho thấy.
Bên cạnh đó, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay chứng kiến số tiền quyên góp từ nữ giới tăng vọt. Phụ nữ đã quyên góp gần 1,7 tỷ USD cho các hoạt động chính trị cấp liên bang, mức cao nhất trong lịch sử các cuộc bầu cử.
Ai đang dẫn trước?
Sau cuộc tranh luận trực tiếp với Tổng thống Mỹ Donald Trump, chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden tuyên bố đã huy động được 3,8 triệu USD thông qua trang web gây quỹ ActBlue. Số tiền này được các cử tri ủng hộ ông Biden gửi về từ 22 đến 23h ngày 29/9.
Con số này đã phá vỡ kỷ lục gây quỹ của chiến dịch tranh cử, tiếp tục mang về lợi thế tài chính cho ứng viên tổng thống từ đảng Dân chủ Joe Biden, Guardian đưa tin.
Hồi tháng trước, ông Biden cũng huy động được 364,5 triệu USD, cao hơn nhiều so với con số 150 triệu USD từ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã chuẩn bị phương án tự bỏ tiền túi để bổ sung tiền cho chiến dịch vận động tái tranh cử của mình khi cuộc đua vào Nhà Trắng chỉ còn vỏn vẹn 8 tuần nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!