Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các hiệp hội ngành hàng, logistics, chủ tàu, đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải, khuyến nghị các giải pháp thúc đẩy xuất, nhập khẩu trong bối cảnh giá cước vận tải biển tăng cao.
Theo đó, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và logistics tăng cường phối hợp; các hiệp hội ngành hàng xuất, nhập khẩu làm việc với các hiệp hội lĩnh vực logistics, chủ hàng, chủ tàu, dịch vụ hàng hải, nhằm nâng cao năng lực, tập hợp doanh nghiệp hội viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa. Đây là cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu, giảm thiểu tác động của giá cước, phụ phí trong giai đoạn thị trường quốc tế nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Bên cạnh tuyến đường biển hiện tại, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu với châu Âu có thể xem xét các tuyến đường thay thế, vận tải đa phương kết hợp, đi đường biển đến các cảng ở Trung Đông, sau đó đi đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ sang châu Âu.
Các hiệp hội ngành hàng xuất, nhập khẩu phối hợp với Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan liên quan phổ biến quy định của các FTA nhằm nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các hiệp định này.
Các hiệp hội ngành hàng phối hợp với VCCI nâng cao năng lực của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu vừa và nhỏ trong đàm phán, ký kết các hợp đồng mua bán ngoại thương và hợp đồng bảo hiểm nhằm bảo vệ doanh nghiệp trước rủi ro, tổn thất khi có sự cố. Các hiệp hội và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó để giảm thiểu nguy cơ, rủi ro, tổn thất từ các sự cố phức tạp, khó lường tương tự trong tương lai.
Các doanh nghiệp Việt Nam chịu nhiều tác động từ tăng giá cước vận tải biển. Ảnh minh họa.
Từ đầu năm 2024 đến nay tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc tại một số cảng Châu Á và thiếu container rỗng đã có tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Giá cước vận chuyển container từ châu Á đến Bờ Tây của Mỹ đang ở mức cao nhất trong năm với 7.300 USD đến gần 8.000 USD cho mỗi container 40 feet .
Dữ liệu của Công ty tư vấn hàng hải Drewry cho biết, cước vận tải giao ngay của một container hàng hóa 40 feet từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến New York (Mỹ) đã đạt mức 9.387 USD vào ngày 11/7/2024, cao gấp đôi so với giá cước hồi tháng 2/2024.
Nguyên nhân giá cước tăng chủ yếu do các hãng vận tải buộc phải dừng lộ trình qua kênh đào Suez khi lực lượng Houthi tại Yemen tấn công vào các tàu trên Biển Đỏ, khiến thời gian vận chuyển kéo dài hơn và làm tăng chi phí.
Là quốc gia có hoạt động thương mại quốc tế lớn, trong đó có lượng hàng xuất khẩu đi Mỹ và EU lớn, các doanh nghiệp Việt Nam chịu nhiều tác động từ tăng giá cước vận tải biển. Tác động càng lớn hơn khi hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các Mỹ, EU... đều phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài.
Giảm tác động cước vận tải biển VTV.vn - Việc tăng giá cước vận tải thời gian qua khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa gặp khó khăn khi chi phí bị đội lên cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!