Cước vận tải tăng, doanh nghiệp gặp khó

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 17/03/2024 12:56 GMT+7

VTV.vn - Giá cước vận tải tăng, tình trạng thiếu container rỗng, thời gian vận chuyển kéo dài hơn và ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng đơn hàng xuất nhập khẩu.

Trong một không thương mại quốc tế ngày càng liên kết, những căng thẳng trên Biển Đỏ đã gây thiệt hại cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của nhiều quốc gia và Việt Nam cũng không nằm ngoài ảnh hưởng. Một số tác động tiêu cực có thể nhìn thấy ngay đó là việc giá cước vận tải tăng, tình trạng thiếu container rỗng, thời gian vận chuyển kéo dài hơn và ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng đơn hàng xuất nhập khẩu.

Dù kim ngạch xuất khẩu tăng 8 triệu USD nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp này lại sụt giảm. Lý do là bởi cước phí vận chuyển đã tăng thêm gần 2,5 lần so với trước.

Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Baseafood cho biết: "Cước tàu do khách hàng chỉ định và họ đặt. Việc này họ chịu nhưng nếu tình hình căng quá thì họ không mua hàng buộc lòng chúng tôi phải giảm giá cho họ, hỗ trợ cho họ một phần trong vận chuyển".

Cước vận tải tăng, doanh nghiệp gặp khó - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp Việt Nam thường trao phần vận tải biển chủ yếu cho các hãng tàu nước ngoài

Và tình trạng này cũng xảy ra với cả các ngành nghề xuất khẩu khác. Mỗi container 40ft doanh nghiệp gỗ nhập khẩu từ châu Âu về đã hơn 500 USD do ảnh hưởng căng thẳng Biển Đỏ. Khó lại chồng khó khi phụ phí cảng biển lại tăng thêm.

"Phần tăng này đã rất nhiều lần chứ không phải mỗi lần này. Thông thường họ chỉ đưa ra một mức và áp luôn như vậy, doanh nghiệp không có quyền đàm phán với hãng tàu về mức phí này" - bà Phan Thị Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công ty TNHH Veneer Âu Việt nêu ý kiến.

Các doanh nghiệp Việt Nam thường trao phần vận tải biển chủ yếu cho các hãng tàu nước ngoài. Vì thế, sự chủ động kiểm soát phần chi phí này còn thấp.

Ông Hà Quang Thắng - Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng chia sẻ: "Đi tuyến châu Âu, châu Mỹ thì hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam đều do hãng tàu nước ngoài đảm nhận".

Trong cuộc họp ba bên mới đây tại Cục hàng hải, các chủ tàu cho rằng, nguyên nhân tăng phụ phí là do các vấn đề liên quan đến tình hình chiến sự trên Thế giới, biểu giá trong quản lý. Tuy nhiên, mức giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng chỉ tăng 10%.

Trong khi đó, mức giá hiện tại các hãng tàu thu của chủ hàng là từ 140-200 USD và chỉ trả lại cho các cảng từ 36-66 USD.

Không loại trừ khả năng các hãng tàu cố tình lợi dụng nguyên nhân biến động khách quan để gia tăng giá dịch vụ.

Bà Nguyễn Thị Hương - Phó trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam nêu ý kiến: "Cục Hàng hải Việt Nam sẽ có những biện pháp để xử phạt theo đúng quy định, có rất nhiều văn bản chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tăng giá của các hãng tàu phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đối với hoạt động của hãng tàu cũng như việc thu, phụ thu giá cước của các hãng tàu trong thời gian qua để đảm bảo giá cước được công khai, minh bạch".

Tuy nhiên, cũng có một số ít trong hơn 30 hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam không có điều chỉnh tăng giá. Lý do được đưa ra là do họ đã nghiên cứu về thị trường Việt Nam để cân đối được chi phí và có sự quản lý theo vùng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước