Ảnh minh họa. Ảnh: Báo Pháp Luật TP.HCM
Nhiều dự án BOT không đạt doanh thu nhưng theo chỉ đạo vẫn phải giảm giá vé. Khó khăn càng tăng khi dịch COVID-19 xảy ra như cầu Bạch Đằng mức thu chỉ đạt hơn 20% so với trước.
Ông Phạm Văn Khôi - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - cho biết: "Những ngày bình thường chúng tôi thu được khoảng 600 triệu nhưng từ 1/4, chúng tôi chỉ thu 100 đến 120 triệu đồng".
Ảnh minh họa. Ảnh: Dân trí.
Trước những khó khăn của các dự án BOT, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị 2 phương án. Theo đó, cho phép tăng phí theo hợp đồng nhưng phải vào thời điểm phù hợp hoặc Nhà nước bố trí khoảng 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ các dự án giữ nguyên mức phí đến năm 2022. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quan trong nhất vẫn là phải công khai, minh bạch các khâu trong toàn bộ dự án BOT.
"Công khai rất đơn giản, chúng ta chỉ cần yêu cầu mỗi dự án có một cái biển để thông báo chủ đầu tư là ai, chi phí đầu tư bao nhiêu và đến thời điểm này thu được bao nhiêu tiền" - Luật sư Bùi Quang Hưng - Điều hành Văn phòng Luật sư BQH và Cộng sự cho hay.
Hàng loạt các phương án khác cũng được đưa ra như không tăng phí nhưng kéo dài thời gian thu phí hay cơ cấu thời hạn trả nợ, gia hạn nợ và không chuyển các doanh nghiệp BOT sang nhóm nợ xấu. Tuy nhiên, trước khi có những quyết định cuối cùng, việc công khai toàn bộ dự án, đẩy nhanh thu phí không dừng là hết sức quan trọng bởi lẽ hiện vẫn còn không ít các dự án chưa tính đúng tính đủ chi phí. Mới đây, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm trừ chi phí đầu tư trên 660 tỷ đồng và giảm gần 60 năm thời gian thu phí của 7/9 dự án BOT.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!