Kết thúc năm qua, việc duy trì xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt gần 30 tỷ USD, gấp hơn 2 lần mức xuất siêu của năm 2022, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng dự trữ ngoại hối. Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, kết quả đó là một phần từ nỗ lực xúc tiến thương mại giúp đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm cơ hội với những đối tác tiềm năng. Năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam được cải thiện rõ nét.
Dù nhu cầu mua giảm mạnh, khiến các đối tác nhập khẩu truyền thống ở châu Âu, Hoa Kỳ dè chừng với kế hoạch nhập hàng, nhưng với chiến lược đa dạng hóa các thị trường, Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao vẫn đạt doanh số xuất khẩu năm qua tăng 146%.
"Chúng tôi chủ động phát triển thêm các thị trường mới như Trung Đông, Trung Quốc, làm sao tạo nên sự cân bằng trong phát triển. Một số thị trường xuất khẩu lương thực truyền thống vì biến đổi khí hậu nên họ khó khăn canh tác trồng trọt, nó mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa Việt Nam", ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết.
Mặc dù nhập khẩu hàng hóa giảm ở các thị trường truyền thống, nhưng tỷ trọng hàng Việt Nam trong cơ cấu nhập khẩu vẫn duy trì và tăng nhẹ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Mức độ suy giảm xuất khẩu ngày càng được thu hẹp từ mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023 xuống còn dưới 5% vào cuối năm. Việc đa dạng hóa thị trường thông qua các Hiệp định thương mại tự do giúp xuất khẩu sang các thị trường mới như các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng mạnh. Tỷ lệ tận dụng các FTA ở các mặt hàng chế biến chế tạo tăng đột biến như linh kiện điện tử (trên 30%), dệt may, da giày (trên 20%).
"Những mặt hàng này đã cho thấy chuỗi cung ứng trước đây mong muốn hình thành ở Việt Nam để sản xuất các mặt hàng đã bắt đầu hình thành. Những doanh nghiệp đó đã đủ tiêu chuẩn quy tắc xuất xứ để tận dụng các thị trường trọng điểm của Việt Nam, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, thông tin.
Theo các cơ quan thương vụ Việt Nam, mặc dù nhập khẩu hàng hóa giảm ở các thị trường truyền thống, nhưng tỷ trọng hàng Việt Nam trong cơ cấu nhập khẩu vẫn duy trì và tăng nhẹ, nghĩa là nhu cầu với hàng hóa Việt Nam vẫn tốt.
"Các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên cơ sở nhập khẩu của Hoa Kỳ như dầu mỡ cá, áo khoác nữ, mặt hàng văn phòng phẩm, dụng cụ thể thao… 5 mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu sang Hoa Kỳ khi tốc độ gia tăng của nhóm hàng này cao như thịt gà, sản phẩm đóng gói sẵn", ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho hay.
Khó khăn đan xen nhưng không phải không có cơ hội nếu các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thực sự hiểu biết về thị trường và một chiến lược bài bản trong dài hạn để sẵn sàng khai phá nhiều thị trường mới.
Xuất khẩu 7 tấn xoài tượng da xanh VTV.vn - Lễ công bố xuất khẩu lô xoài tượng da xanh sang thị trường Australia và Hoa Kỳ đã được tổ chức sáng nay (5/2) tại tỉnh An Giang.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!