Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phối hợp với UBND 29 địa phương tổ chức Diễn đàn trực tuyến chia sẻ thông tin, kết nối giao thương về sản phẩm chăn nuôi nhằm kết nối giữa người mua và người bán, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi còn đang ứ đọng, cũng như định hướng phát triển cho ngành trong thời gian tới.
Nhằm chấm dứt tình trạng cung - cầu luôn biến động bất ổn và giá bán các sản phẩm chăn nuôi liên tục trồi sụt bất thường, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết ngành chăn nuôi đặt mục tiêu đưa tỷ lệ sản phẩm qua chế biến lên khoảng 60%.
"Chế biến là một khâu quan trọng, nằm trong 5 giải pháp, đặc biệt phải truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn cho các thị trường", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Việc xuất khẩu các mặt hàng qua chế biến còn nhiều tiềm năng. (Ảnh minh họa - Ảnh: QĐND)
Đầu tư, đẩy mạnh chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi, đa dạng hóa thêm nhiều chủng loại sản phẩm hơn cũng sẽ là hướng đi của nhiều doanh nghiệp trong thời gian tới. Vì theo họ, dư địa tại thị trường Việt Nam còn rất lớn. Ngoài ra, việc xuất khẩu các mặt hàng qua chế biến cũng còn nhiều tiềm năng.
Đáng chú ý thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng quy định và chính sách về dự trữ sản phẩm chăn nuôi khi ứ đọng.
"Xây dựng quy định, chính sách về thu mua, giết mổ, chế biến và dự trữ sản phẩm chăn nuôi khi ứ đọng, chậm tiêu thụ do cung vượt cầu, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh", ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp tiếp tục kiên trì mục tiêu tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đẩy mạnh chuỗi liên kết và hình thành các cùng chăn nuôi an toàn sinh học, vừa hạ giá thành sản phẩm, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 1 tỷ USD mỗi năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!