Ảnh minh họa.
Gần đây, chỉ số đồng bạc xanh đã giảm 4,6% ghi dấu mức giảm lớn nhất kể từ tháng 7/2021, sau khi vọt lên mức cao nhất trong hai thập kỷ là 114,778 vào cuối tháng Chín.
Đà giảm của đồng USD có thể hỗ trợ các ngân hàng trung ương toàn cầu như Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) trong nỗ lực kiềm chế đà giảm của đồng nội tệ. BoJ đã chi 43 tỷ USD để nâng giá đồng Yen.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng xu hướng giảm của đồng USD sẽ không kéo dài, khi lãi suất của Mỹ vẫn có khả năng duy trì cao hơn lãi suất của các nền kinh tế phát triển khác trong thời điểm hiện tại.
Sự sụt giảm của USD cũng trùng với đà tăng của chứng khoán và lợi suất trái phiếu, một phần nhờ hy vọng Fed có thể làm chậm quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ. Fed đã tăng lãi suất thêm 300 điểm cơ bản kể từ đầu năm 2022 đến nay, đè nặng lên thị trường chứng khoán nhưng lại thúc đẩy đà tăng của đồng USD so với các loại tiền tệ khác.
Chuyên gia Brad Bechtel, tại ngân hàng đầu tư Jefferies, cho biết các tín hiệu Fed nới tay với chính sách tiền tệ có thể khiến đồng USD giảm 1 - 2%, song động thái như vậy có thể sẽ tồn tại trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, nếu Fed làm chậm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương khác có thể làm điều tương tự, khiến đồng USD gia tăng sức hấp dẫn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!