Ông Nguyễn Sương, một ngư dân ở quận Sơn Trà là trường hợp mới nhất vừa có đơn xin hỗ trợ từ quyết định 7068 của thành phố Đà Nẵng. Với 2 con tàu, công suất mỗi chiếc là 1.000 CV có tổng giá trị đầu tư trên 8 tỷ đồng, việc sẽ được nhận 1,6 tỷ đồng từ chính sách hỗ trợ của thành phố đã đem lại niềm vui rất lớn với ông.
Chính sách hỗ trợ đóng mới tàu công suất lớn của thành phố Đà Nẵng đã khuyến khích bà con ngư dân đóng mới các loại tàu công suất lớn. Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay đã có 14 tàu, chủ yếu loại từ 500-1.000 CV được hạ thủy đi vào hoạt động. Chủ các tàu này đã nhận gần 7 tỷ đồng hỗ trợ từ ngân sách của thành phố. Và nếu như các ngân hàng thương mại có thêm chương trình cho vay ưu đãi, thì bà con ngư dân sẽ mạnh dạn hơn trong việc đầu tư đóng mới tàu đánh bắt xa bờ.
Ông Mai Văn Đãi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng cho rằng, nếu một con tàu đóng mới khoảng 18m mất khoảng hơn 2 tỷ đồng, hỗ trợ của thành phố từ 500-800 triệu thì bà con ngư dân phải bỏ ra thêm 1,2 tỷ đồng. Số tiền này không phải ngư dân nào cũng có được. Thành phố nên kiến nghị với Chính phủ để có một nguồn vốn ưu đãi nào đó cho ngư dân được vay, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của thành phố để có thêm điều kiện đóng mới tàu.
Dự kiến trong năm 2014, dựa trên cơ sở đăng ký của bà con ngư dân, thành phố Đà Nẵng tiếp tục phê duyệt hỗ trợ đóng mới từ 6 đến 10 tàu cá công suất lớn. Cùng với đó, hệ thống hậu cần nghề cá như: âu thuyền, bến cảng, chợ cá, các cơ sở cung ứng nhiên liệu, chế biến hải sản cũng đã được đầu tư xây dựng một cách đồng bộ. Đây là cơ sở để nghề đánh bắt hải sản của tp Đà Nẵng phát triển bền vững