Thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội ghi nhận dự thảo luật đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, đáp ứng thực tiễn phát triển, đồng thời đóng góp ý kiến liên quan tới tình trạng sở hữu chéo và thu giữ tài sản đảm bảo.
"Tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Các giải pháp nêu trong dự thảo chỉ là giải pháp kỹ thuật để hạn chế các cổ đông lớn, tôi thấy cần nghiên cứu bổ sung thêm các quy định để hạn chế hành vi lạm quyền cổ đông lớn, kiểm soát việc lách luật, sử dụng nhiều cá nhân pháp nhân khác đứng tên cổ phần tạo nhóm cổ đông lớn để điều hành các tổ chức tín dụng", ông Nguyễn Hải Trung - Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đề xuất.
Ông Trịnh Xuân An - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho biết: "Việc chấm dứt tình trạng sở hữu chéo liên quan đến việc xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để dính dáng tới tình trạng này. Tôi cho rằng, cần thiết kế phải đặt lại mô hình của cơ quan giám sát, kiểm tra tài chính liên quan đến ngân hàng".
Chiều 10/6, Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Chỉ ra những bất cập trong thu giữ tài sản bảo đảm, một số ý kiến đề nghị cần cân nhắc khi xây dựng các quy định về cơ chế thực thi, thứ tự ưu tiên, trách nhiệm hỗ trợ của các chủ thể liên quan.
Ông Trần Nhật Minh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề nghị: "Hiện nay chưa có cơ chế hướng dẫn xác định về tài sản nào đang tranh chấp, tài sản nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, gây khó khăn khi áp dụng quy định về việc thu giữ tài sản theo Nghị quyết 42. Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và thi hành án dân sự trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng khi có yêu cầu xác định tình trạng tài sản bảo đảm để thu giữ tài sản đảm bảo".
Bà Đỗ Thị Việt Hà - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng: "Quyền thu giữ tài sản bảo đảm cần được làm rõ về bản chất, mục tiêu, điều kiện, phạm vi thực hiện và vai trò của chính quyền địa phương các cấp, cơ quan công an tham gia vào việc thu giữ tài sản đảm bảo để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo đồng bộ thống nhất tránh lạm dụng gây tổn hại tới lợi ích hợp pháp của người đi vay".
Một số ý kiến cũng đề nghị bổ sung quy định đối với các ngân hàng chính sách, nhằm phát huy hơn nữa bản chất tốt đẹp của chế độ. Đánh giá kỹ tác động khi giảm giới hạn tỷ lệ cấp tín dụng, tăng cường các quy định nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn, dịch vụ tín dụng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!