Trong các chỉ tiêu kinh tế, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng là một trong những kết quả được Hội nghị Trung ương 8 khóa 13 đánh giá cao. Theo đó, dự báo hết năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước tăng khoảng 3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% đặt ra từ đầu năm.
Giá xăng năm nay giảm khoảng 13% so với cùng kỳ năm ngoái là yếu tố chính kéo giảm chỉ số giá tiêu dùng xuống khoảng 0,48 điểm phần trăm, bên cạnh giá xăng thì giá các mặt hàng khác năm nay khá ổn định.
Còn với các nhóm như lương thực, thực phẩm, chi phí giáo dục, nhà ở vật liệu xây dựng … công tác kiểm soát giá 10 tháng đã được thực hiện rất tốt.
Dự báo hết năm, chỉ số giá tiêu dùng CPI ước tăng khoảng 3,5%. Ảnh minh họa.
Đối với hàng hoá dịch vụ do nhà nước quản lý, Chính phủ cũng điều hành rất thận trọng để kiểm soát được lạm phát cũng như ổn định đời sống. Y tế, giáo dục và điện sinh hoạt chiếm 15% trong rổ hàng hoá tính CPI, được giữ ổn định.
Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết: "Giá dịch vụ y tế thời gian vừa qua cũng chưa tăng, giá dịch vụ giáo dục thì cũng giữ ổn định mức học phí của năm 2022 – 2023".
Hai tháng cuối năm, công tác điều hành giá tập trung vào nhóm lương thực thực phẩm, xăng dầu...
Lạm phát cơ bản 10 tháng năm nay tăng 4,38%, tuy nhiên xu hướng giảm dần, tháng 1 tăng 5,21% thì đến tháng 10 đã chỉ còn 3,43%. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong 2 tháng cuối năm, thể hiện công tác điều hành giá hết sức chủ động, chặt chẽ, linh hoạt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!