Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng khi thực hiện gói tài khóa, tiền tệ

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 04/01/2022 20:12 GMT+7

VTV.vn - Các đại biểu cho rằng, trong quá trình thực hiện gói chính sách tài khóa, tiền tệ cần nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, đồng thời đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.

Chiều nay (4/1), Quốc hội thảo luận tại tổ dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một trong nghị quyết quan trọng hướng đến mục tiêu đảm bảo tăng trưởng bền vững, phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Tại phiên họp tổ chiều nay, phần đông đại biểu nhất trí, đánh giá cao với tờ trình của Chính phủ về mục tiêu, giải pháp và phương án huy động nguồn lực hỗ trợ trong dự thảo nghị quyết.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đã phân tích những ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19 tác động trong 2 năm qua và đề xuất thêm giải pháp xử lý những hạn chế này.

"Sau 2 năm điều trị bệnh nhân COVID-19, việc thanh quyết toán tại các bệnh viện điều trị COVID-19 vẫn đang dừng lại, chưa có hướng dẫn cụ thể, hay như việc hướng dẫn chi trả cho các bệnh viện ngoài công lập điều trị cho bệnh nhân COVID-19 cũng không có. Chúng tôi xin Quốc hội đưa vào nghị quyết kỳ này giao cho Chính phủ ban hành thông tư hướng dẫn khám chữa bệnh trong giai đoạn trước mắt để tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế", ông Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, nêu đề xuất.

"Phòng chống dịch phải tập trung vào những nơi đông dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Hà Nội có 1 phường 9 vạn dân, TP Hồ Chí Minh có 1 phường lớn nhất 11 vạn dân. Trong khi 1 xã Đồng bằng sông Hồng khoảng hơn 5.000 dân, 1 xã miền núi chỉ 2.500 dân, nhưng xã đó cũng tiêu chuẩn 1 trạm y tế, phường cũng tiêu chuẩn 1 trạm y tế. Lúc này là cơ hội xem lại chính sách, cơ cấu lại đô thị", ông Đinh Tiến Dũng, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, nói.

Việc hỗ trợ nhà ở cho công nhân cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng khi thực hiện gói tài khóa, tiền tệ - Ảnh 1.

Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.

"Chúng ta đã nhìn thấy bất cập trong chương trình phát triển nhà ở cho công nhân khi đại dịch xảy ra, nhưng trong chính sách lần này lại không đưa vào trong gói hỗ trợ. Chỉ có 6,6 ngàn tỷ lấy từ tiền tiết kiệm, tiền tăng thu của năm 2021, không nằm trong chi hỗ trợ, chỉ hỗ trợ trả tiền thuê nhà. Như vậy, chúng ta vẫn chưa có hệ thống nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp", ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cho hay.

Về việc hỗ trợ tài khóa và tiền tệ để phát triển trong lúc khó khăn, nhiều đại biểu khẳng định điều này là cần thiết, nhưng nền tảng là phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là chỉ tiêu lạm phát.

"Các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các tổ chức tài chính, ngân hàng quốc tế, các tổ chức xếp hạng đang rất quan ngại về vấn đề lạm phát gia tăng và hệ lụy của lạm phát, đặc biệt là khi chúng ta bơm tiền từ ngân sách nhà nước cho các gói phục hồi. Do đó, Chính phủ phải giải trình thêm vấn đề này", ông Đinh Ngọc Quý, Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, nhận định.

"Xu hướng lạm phát của năm 2022 sau khi các gói kích thích đi vào lưu thông là một nguy cơ. Vì vậy, chúng ta cần phải có những đánh giá tốt hơn về lạm phát. Mặc dù Chính phủ vẫn khẳng định kiểm soát được chỉ số này ở mức tối đa là 4%", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, đánh giá.

Vào cuối phiên thảo luận tại tổ chiều nay, các đại biểu đề nghị trong quá trình thực hiện gói chính sách tài khóa, tiền tệ cần phải hướng tới mục tiêu vừa nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.

Quốc hội chốt mục tiêu năm 2022 kinh tế tăng trưởng 6-6,5% Quốc hội chốt mục tiêu năm 2022 kinh tế tăng trưởng 6-6,5%

VTV.vn - Việc đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5% thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu năm 2022.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước