Đảm bảo nguồn cung, ổn định giá cả hàng hoá sau bão

VTV Digital-Thứ ba, ngày 10/09/2024 08:08 GMT+7

VTV.vn - Sở Công thương TP Hà Nội yêu cầu doanh nghiệp, hệ thống phân phối cung cấp đầy đủ hàng phục vụ sản xuất và đời sống người dân, không để xảy ra tình trạng tăng giá sau bão.

Ngày thứ 2, sau khi cơn bão số 3 quét qua Hà Nội. Điều mà nhiều người tiêu dùng quan tâm, đặc biệt là các bà nội trợ, đó là giá thực phẩm có tăng sau mưa bão hay không? Nhất là với thịt và rau - những món thiết yếu trong bữa cơm hàng ngày.

Theo chia sẻ của một số tiểu thương thì mặc dù có một vài mặt hàng rau xanh có sự tăng giá nhẹ so với ngày thường, tuy nhiên nhìn chung các mặt hàng thiết yếu như rau xanh hay thịt, cá thì vẫn đảm bảo cả về số lượng, chất lượng cũng như mặt bằng giá cả.

"Hàng vẫn đầy đủ, giá cũng vừa phải thôi. Hôm bão người ta cũng lên 1 tí, còn hôm nay giá về như bình thường. Thịt vai giòn trước chúng tôi bán 150.000/kg, bây giờ kể cả bão chúng tôi bán vẫn 150.000/kg, sau bão cũng 150.000/kg", chị Chu Thị Thúy Hằng, tiểu thương tại chợ Thành Công chia sẻ.

"Sau bão thì rau, thịt cơ bản giá vẫn như mọi hôm thôi. Cơ bản thì mọi người vẫn cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm cho người dân sau bão. Cũng không có hiện tượng là tăng giá hay là bị khan hiếm hàng", anh Đỗ Anh Tú, quận Ba Đình, TP Hà Nội chia sẻ.

Còn tại các hệ thống siêu thị, họ cho biết, đã làm việc với các nhà cung cấp ngay từ khi nhận được tin bão số 3, thế nên rất chủ động trong việc cung ứng hàng hoá.

Bà Nguyễn Thị Nhung - Đại diện Siêu thị Winmart Times City cho biết: "Chúng tôi cũng dự trù các kế hoạch về bán hàng cũng như lượng hàng hóa để phục vụ cho khách hàng các sản phẩm thiết yếu như là rau ăn lá hay các sản phẩm mì, gạo và trứng".

Sở Công thương TP Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp, hệ thống phân phối, bán lẻ cung cấp đầy đủ hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân, không để xảy ra tình trạng tăng giá sau bão.

Không chỉ sau mưa bão, mà đảm bảo nguồn cung và duy trì ổn định giá cả hàng hóa vẫn là công tác xuyên suốt được các doanh nghiệp và địa phương tiếp tục thực hiện từ nay cho tới cuối năm.

Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ban hành Chỉ thị số 29 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Cùng với xuất khẩu và đầu tư thì tiêu dùng là 1 trong 3 "chiến mã" trong "cỗ xe tam mã" để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng

Đảm bảo nguồn cung, ổn định giá cả hàng hoá sau bão - Ảnh 1.

Thị trường tiêu dùng nội địa tiếp tục là điểm sáng của kinh tế vĩ mô khi duy trì mức tăng trưởng ổn định.

Nhìn lại những con số mà Tổng cục thống kê công bố cho 8 tháng qua, có thể thấy, thị trường tiêu dùng nội địa tiếp tục là điểm sáng của kinh tế vĩ mô khi mà duy trì mức tăng trưởng ổn định. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt hơn 526.000 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 4 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong con số hơn 4 triệu tỷ đồng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm nay, bán lẻ hàng hóa vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất: hơn 77%. Người tiêu dùng chủ yếu là mua lương thực, thực phẩm, những đồ dùng thiết yếu.

"Mỗi lần đi mua phải 800.000 đến 1 triệu đồng, hoặc hơn. Chi tiêu trong gia đình phù hợp là được, không phải lúc nào cũng thắt chặt, hay lúc nào cũng thoải mái", chị Nguyễn Phương Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.

"Ưu tiên sử dụng hàng trong nước, từ các sản phẩm khô như bún miến nấm, rồi các loại hoa quả Việt Nam nhà tôi dùng nhiều", chị Trần Thị Mỹ Anh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ.

Sức mua của người tiêu dùng phục hồi cũng đồng nghĩa với việc nhiều nhà bán lẻ hái "quả ngọt", từ đó mạnh dạn mở rộng diện tích "trồng cây".

Bà Nguyễn Thị Phương - Tổng giám đốc WinCommerce cho biết: "Hiện tại chúng tôi đang có là 3.700 cửa hàng thì đến cuối năm nay chúng tôi dự kiến sẽ có khoảng 4.000 cửa hàng và mục tiêu đến năm 2029 thì chúng tôi sẽ nhân gấp đôi số lượng cửa hàng này, lên vào khoảng 8.000 cửa hàng".

"Chúng tôi xây dựng 3 kho trung chuyển ở 3 miền Bắc - Trung - Nam để tạo thuận lợi cho việc đưa nông sản vào hệ thống của chúng tôi. Ví dụ như Hà Nội thì khách hàng cũng dễ dàng tìm kiếm các sản phẩm không chỉ miền Bắc, là khu Bắc Giang, Sơn La, Hà Nội mà khách hàng có thể có những sản phẩm từ Đà Lạt", ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc điều hành các cửa hàng siêu thị và đại siêu thị GO & Tops market Hà Nội cho biết.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mức tăng hơn 7% của doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 8 tháng qua đến từ nhiều động lực: từ việc tăng lương cơ sở thời gian gần đây, đến chuyện mức thuế VAT được giảm 2%, hay nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại đã liên tục được triển khai những tháng đầu năm.

TP Hồ Chí Minh nhiều yếu tố tích cực cho tiêu dùng cuối năm

Đảm bảo nguồn cung, ổn định giá cả hàng hoá sau bão - Ảnh 2.

TP Hồ Chí Minh tổ chức 2 đợt khuyến mãi tập trung với thời gian kéo dài 3 tháng cho mỗi đợt.

Và để tiếp tục nâng sức mua, kích cầu tiêu dùng, khai thác tốt thị trường nội địa từ nay đến cuối năm, theo đúng Chỉ thị số 29 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương và doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực triển khai nhiều chương trình, mang đến mức giá vừa túi tiền cho người dân. Như tại TP Hồ Chí Minh đang có chương trình khuyến mãi tập trung, với đợt 1 kéo dài 3 tháng đến hết 15/9/2024.

Dạo 1 vòng siêu thị, giỏ hàng của bà Loan gần như món hàng nào cũng được khuyến mãi: mua 1 tặng 1, giảm giá từ vài nghìn đến cả chục nghìn đồng. Đại diện siêu thị cho biết, hiện nay siêu thị đang có khoảng 2.000 mặt hàng khuyến mãi từ nay đến cuối năm. Dự báo giai đoạn cao điểm cuối năm, thị trường bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng TP Hồ Chí Minh vẫn duy trì đà tăng trưởng.

Ông Jonathan Au - Tổng giám đốc Union Square cho biết: "Tôi nghĩ rằng những chương trình kích cầu như hiện nay là ví dụ rất tốt, cụ thể về sự quan tâm từ phía Chính phủ cùng sự sẵn sàng của khu vực tư nhân để có những hành động cụ thể thu hút người tiêu dùng".

Trong 8 tháng đầu năm, tăng mạnh nhất là doanh thu dịch vụ lữ hành - tăng hơn 65%, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 10,3%, doanh thu lưu trú và ăn uống cũng tăng 8,9% so với cùng kỳ.

"Hiện tại tỷ lệ khách lấp đầy của khách sạn đang rất tốt, có thể lên đến 80-90%, cho dù đang là mùa thấp điểm", ông Nguyễn Thái Bình - Đồng sáng lập FBVI cho hay.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết: "Hàng năm TP Hồ Chí Minh tổ chức 2 đợt khuyến mãi tập trung với thời gian kéo dài 3 tháng cho mỗi đợt. Việc này hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng như người dân có cơ hội lựa chọn sản phẩm chất lượng với giá hợp lý".

Để tăng hiệu quả chương trình khuyến mại tập trung, để việc kích cầu tiêu dùng mang lại hiệu quả cao, TP Hồ Chí Minh còn kết hợp triển khai đồng bộ với các chương trình kết nối tín dụng, kết nối cung - cầu, khuyến mại tập trung, hợp tác với các địa phương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước