Đột phá cơ chế để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

VTV Digital-Thứ năm, ngày 07/11/2024 09:21 GMT+7

VTV.vn - Thể chế hoá các cơ chế đặc thù, tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Chính sách này được Quốc hội cho phép thí điểm đã phát huy hiệu quả.

Cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư công nhằm tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay. Đây là quan điểm của nhiều đại biểu trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 6/11 về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Các đại biểu cũng nhất trí cao với quan điểm của cơ quan soạn thảo. Đặc biệt là việc thể chế hóa các cơ chế đặc thù, như là tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Hiện nay, chính sách này mới được Quốc hội cho phép thí điểm tại Khánh Hòa, Đà Nẵng, Nghệ An và quy định tại Luật Thủ đô năm 2024, đã phát huy những hiệu quả tích cực.

Khi tách làm dự án riêng, ngay sau khi được phê duyệt chủ trương thì giải phóng mặt bằng sẽ được làm song song với thủ tục đầu tư. Đây là chính sách "đã chín", "đã rõ", thực sự quan trọng, cấp bách và được kiểm nghiệm trên thực tế, đặt ra yêu cầu phải thể chế hóa tại luật. Tuy nhiên các đại biểu cũng kiến nghị cần quy định thêm các điều kiện chặt chẽ để đảm bảo việc đền bù, giải phóng mặt bằng hiệu quả, tránh dàn trải hoặc giải phóng xong không sử dụng đến.

Ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho biết công tác thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư giải phóng mặt bằng sẽ ảnh hưởng đến dân cư rất lớn. Do đó phải tổ chức bài bản, có xem xét đến tính đặc thù của từng dự án, chọn những dự án cần thiết mới tách".

"Tôi tán thành cao quy định này, nhưng cũng đề nghị cần phải làm rõ hơn, như thế nào là thực sự cần thiết để được tách, và ở đây gọi tách hay là hình thành một dự án bồi thường cho rõ để tránh việc làm sai hoặc sợ sai trong triển khai thực hiện", ông Dương Khắc Mai, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nêu quan điểm

Làm rõ các quy định về phân cấp, phân quyền trong luật đầu tư công (sửa đổi)

Đột phá cơ chế để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Việc thí điểm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện kế hoạch đầu tư công giúp các dự án thực hiện có hiệu quả rất tích cực trong thời gian vừa qua.

Quan điểm thứ hai được đưa vào Dự thảo luật đó là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện kế hoạch đầu tư công. Quan điểm này được thể hiện rất rõ qua các quy định như: nâng quy mô vốn đầu tư công của các nhóm dự án, phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

Dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền Quốc hội phê duyệt sẽ được nâng quy mô lên 30.000 tỷ đồng, thay vì trên 10.000 tỷ đồng như hiện nay. Dự án dùng ngân sách trung ương từ 10.000 - 30.000 tỷ đồng sẽ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Các dự án nhóm A, B, C còn lại sẽ được nâng gấp đôi quy mô và phân cấp xuống cho các bộ ngành, địa phương quyết định.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho ý kiến: "Cần có sự đánh giá cụ thể đưa ra các cơ sở cho việc tăng mức vốn đầu tư của dự án để đạt tiêu chí quan trọng quốc gia. Đồng thời, cần đánh giá tác động của chính sách lên dự án đang triển khai, cũng như bối cảnh phát triển của từng địa phương để xác định".

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: "Tiêu chí quan trọng quốc gia của chúng ta đã xây dựng từ năm 1997, là 17.000 tỷ. Đến nay là 27 năm chưa sửa đổi, trong khi quy mô nền kinh tế đã tăng gấp 10 lần so với năm 2000. Để ổn định, chúng tôi xin Quốc hội giữ 30.000 tỷ là phù hợp".

Theo dự thảo, nếu sử dụng ngân sách địa phương, các dự án nhóm B, C dưới 4.600 tỷ, thì giao cho UBND quyết định chủ trương đầu tư, chứ không cần đến Hội đồng nhân dân.

Bà Nguyễn Phương Thuỷ, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội nêu ý kiến: "Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, là cơ quan quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, là cơ quan thay mặt người dân quyết định sử dụng ngân sách của địa phương và thực hiện quyền giám sát nên việc Hội đồng nhân dân quyết định chủ trương đầu tư sau đó Chủ tịch UBND quyết định và triển khai dự án đầu tư là một quy trình chúng tôi cho rằng rất hợp lý".

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Điều 17 của luật đã cho phép trong trường hợp cần thiết thì Hội đồng nhân dân có thể giao UBND. Trên thực tế đã có 43 tỉnh đã giao rồi. Tuy nhiên trên thực thế cho phép tôi nghiêm túc tiếp thu ý kiến này để cơ quan soạn thảo cùng với cơ quan thẩm tra sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề này".

Dự thảo luật cũng đề xuất phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ. Việc này sẽ giúp quy trình giảm được 5 bước và thời gian giảm từ 3 - 4 tháng.

Đề xuất đẩy mạnh phân cấp phân quyền trong đầu tư công

Đột phá cơ chế để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 2.

Luật Đầu tư công sửa đổi lần này đang đề xuất theo hướng đẩy mạnh phân cấp phân quyền xuống cấp dưới nhiều hơn trong thực hiện các dự án đầu tư.

Trước đây, đối với dự án đi qua hai tỉnh thành trở lên thường sẽ do Trung ương làm. Còn nếu qua nhiều huyện thì sẽ do tỉnh đảm nhận. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công sửa đổi lần này đang đề xuất theo hướng đẩy mạnh phân cấp phân quyền xuống dưới. Tức là nếu qua nhiều tỉnh thành sẽ giao cho 1 địa phương phụ trách chính. Còn qua nhiều huyện thì sẽ chọn một huyện để làm đầu mối. Trên thực tế, chính sách này đã được thực hiện tại nhiều địa phương và phát huy hiệu quả tích cực.

Dự án đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đi qua 4 tỉnh thành, được thí điểm cơ chế đặc thù giao cho một địa phương là Ninh Bình làm cơ quan chủ quản, thay vì như trước đây cứ dự án đi qua nhiều địa phương thường sẽ do Bộ Giao thông Vận tải làm. Vì được giao quyền nên địa phương có thể chủ động trong các công tác thiết kế, giải phóng mặt bằng để sớm triển khai dự án.

Ông Nguyễn Cao Sơn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: "Phân cấp, phân quyền cho tỉnh Ninh Bình được chỉ đạo trực tiếp từ giải phóng mặt bằng cho đến tổ chức thi công. Để dự án sớm hoàn thành vào năm 2027, có thể trước tiến độ dự án khoảng 2 năm".

Nghệ An cũng là một trong những địa phương vừa được cho phép thí điểm cơ chế này. Đại diện chính quyền địa phương cho rằng, đây cũng là chính sách phát huy sự chủ động, linh hoạt của và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị.

Ông Phạm Hồng Quang - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cho rằng: "Phù hợp và chủ động trong triển khai thực hiện, lâu nay mình đang vướng vấn đề này rất nhiều là vì một dự án liên vùng chẳng hạn mà giao cho 2 địa phương thì sự phối kết hợp chưa được tốt hoặc khó, đặc biệt là nguồn vốn. Việc để phân cho một địa phương để quản lý trên 2 vùng tôi cho rằng hoàn toàn hợp lý và có thể đem lại hiệu quả, triển khai tốt hơn".

Không ít các dự án do bộ ngành làm chủ đầu tư, mỗi địa phương tự giải phóng mặt bằng đã dẫn đến tình trạng chỗ nhanh chỗ chậm. Như tại dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, trong khi đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có mặt bằng sạch và vượt tiến độ thi công thì tỉnh Đồng Nai lại đang ì ạch trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng. Do vậy, việc sửa đổi quy định nhằm phân cấp phân quyền cho một địa phương quản lý được kỳ vọng sẽ giải quyết được vướng mắc này.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết: "Sẽ tạo ra tính chất lan tỏa của các dự án, tránh tình trạng trước nay có thể các dự án, tuyến đường đầu tư đến địa phương này xong lại phải chờ đến địa phương khác, mà không được đầu tư thì lại không tạo ra được sự kết nối đó".

Cũng theo các chuyên gia, việc tăng cường phân cấp phân quyền như trong dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi lần này cũng sẽ góp phần tạo ra tính cạnh tranh giữa các địa phương. Bởi nếu muốn được giao làm cơ quan chủ quản dự án, địa phương sẽ phải phấn đấu nâng cao các năng lực chuẩn bị đầu tư, quản lý và xây dựng dự án.

Thủ tục đầu tư không chỉ được quy định trong Luật Đầu tư công, mà còn trong nhiều luật khác như Luật Đất đai, Xây dựng, Môi trường, Phòng cháy chữa cháy. Tính trung bình thời gian thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên sẽ kéo dài 250 - 350 ngày. Do đó, một số đại biểu kiến nghị, các quy định liên quan đến đầu tư công cũng cần phải được rà soát, điều chỉnh, nhằm rút ngắn thời gian hơn nữa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước