Đằng sau quyết định chấm dứt miễn trừ nhập khẩu dầu của Iran

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ bảy, ngày 27/04/2019 10:10 GMT+7

VTV.vn - Mỹ đã gây nhiều áp lực nhưng lần này, lựa chọn dầu làm công cụ còn cho thấy những toan tính khác của Mỹ...

Ngày 22/4, Nhà trắng phát đi thông báo Tổng thống Mỹ đã quyết định chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ đang nhập khẩu dầu của Iran. Trước đó, tháng 5/2018, ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân ký giữa Iran với 6 cường quốc. Tháng 11, Mỹ tái áp dụng các biện pháp trừng phạt lên ngành dầu lửa Iran nhưng cho phép 8 nền kinh tế, chủ yếu ở khu vực châu Á, được tiếp tục mua dầu Iran trong 6 tháng. Mọi dự đoán đều kỳ vọng, sự cho phép này được gia hạn tuy nhiên thực tế lại không như vậy.

Về sản lượng dầu trên thế giới, trong tháng 3, sản lượng của OPEC là 30 triệu thùng dầu/ngày, Saudi Arabia chiếm 9,8 triệu thùng, Mỹ hơn 12 triệu thùng, Nga 10 triệu thùng, còn Iran chỉ chiếm hơn 1 triệu thùng, con số không lớn. Vì vậy, sau tuyên bố, như thường lệ, Tổng thống Trump sẽ đăng một dòng trên Twitter cá nhân.

Ông Trump cho rằng: "Saudi Arabia và các nước thành viên khác của OPEC sẽ dễ dàng giúp bù đắp bất kỳ sự thiếu hụt nào trong nguồn cung dầu khi lệnh cấm vận Iran diễn ra đầy đủ. Tôi xin được nhấn mạnh ở đây là từ "dễ dàng", nghĩa là thừa sức đáp ứng 1 triệu thùng hụt đi của Iran". Thế nhưng, mặc cho động thái trấn an này và sản lượng không hề lớn của Iran, giá dầu vẫn tăng vọt do lo ngại nguồn cung đã thắt nay còn thắt thêm trong bối cảnh OPEC đang trong giai đoạn thỏa thuận thắt nguồn cung để ổn định thị trường.

Nhưng điều mâu thuẫn là, trước đó, Tổng thống Trump luôn được biết đến là người ủng hộ việc tăng cung để kéo giá dầu giảm. Cũng là trên Twitter, tháng 2 năm nay, Tổng thống Trump chia sẻ dòng tweet kêu gọi OPEC ngừng việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu.

Rõ ràng, động thái này của Mỹ nhằm gây áp lực tối đa lên Iran, buộc Tehran chấm dứt những hoạt động mà theo Mỹ là "gây mất ổn định" ở vùng Trung Đông. Mỹ đã gây nhiều áp lực nhưng lần này, lựa chọn dầu làm công cụ còn cho thấy những toan tính khác của Mỹ nhắm đến các đồng minh và đối tác mà dòng Tweet nêu đích danh Saudi Arabia của ông Trump phần nào thể hiện ý đồ.

Hàn gắn mối quan hệ đồng minh Mỹ - Saudi Arabia

Mối quan hệ đồng minh thân cận giữa Mỹ và Saudi Arabia đã phần nào rạn nứt sau vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi - một công dân Arab nhưng cư trú ở Mỹ và là một phóng viên của tờ Washington Post. Thậm chí, Cục Tình báo trung ương Mỹ CIA còn cho rằng Thái tử Bil Salman chính là người đứng đằng sau âm mưu sát hại này. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump không nghĩ vậy và luôn đứng về phía Saudi Arabia - nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai của Mỹ.

Việc siết chặt lệnh cấm vận với Iran lần này được xem là động thái hàn gắn mối quan hai bên. Về phía Mỹ, Washington có thể tăng cường gây sức ép nhiều hơn lên Tehran. Về phía Riyadh, lệnh cấm sẽ giúp Saudi Arabia có cái cớ để tăng sản lượng. Ngân sách sẽ thu về nhiều hơn - điều mà Thái tử Bin Salman đang rất cần để đa dạng hóa nền kinh tế.

Đàm phán Mỹ - Trung bị ảnh hưởng?

Một trong những bên nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran hiện nay là Trung Quốc với khoảng 360.000 thùng/ngày. Do vậy, một khi lệnh siết chặt cấm vận của Mỹ có hiệu lực từ 1/5 tới, Trung Quốc được cho sẽ bị ảnh hưởng hơn cả. Tờ Thời báo New York bình luận, có vẻ như Washington đang xâm phạm an ninh năng lượng của Bắc Kinh trong bối cảnh cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên chưa thể đi đến hồi kết.

Bất kỳ động thái nào của Bắc Kinh tiếp tục mua dầu Iran, điều các nhà phân tích dự đoán Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ tìm ra cách nào đó, sẽ buộc Mỹ quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính nước này. Trung Quốc cũng có thể thiết lập một cơ chế mới thay thế cho việc sử dụng các công cụ ngân hàng như các quốc gia châu Âu đã làm để tiếp tục làm ăn với Iran. Hiện Mỹ - Trung sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán cấp cao vào ngày 30/4 này tại Bắc Kinh.

Người tiêu dùng Mỹ chịu ảnh hưởng sau quyết định của Tổng thống Trump

Nhiều nhận định đều cho rằng, đây là một nước cờ rủi ro của Mỹ vì hiện nhiều quốc gia như Nga, Trung Quốc, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ đều phản đối tuyên bố này của Mỹ. Trước khi có câu trả lời về những tác động của quyết định chấm dứt miễn trừ trừng phạt này lên nền kinh tế Iran hay các nước đồng minh thì chính người tiêu dùng Mỹ ngay lập tức trả giá cho quyết định của chính quyền Trump vì giá dầu tăng đẩy giá nhiên liệu tăng.

Những người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu của Mỹ đang tận hưởng tốc độ tăng trưởng lương mạnh nhất trong một thập kỉ, nhưng giá xăng tăng cao đang khiến lợi thế đó trở thành vô nghĩa. Theo Reuters, một số người tiêu dùng Mỹ đã phải trả mức giá 3 USD/gallon tại trạm xăng và sẽ cảm thấy tồi tệ hơn nếu giá tăng thêm nữa. Đối với một người lao động làm việc 35 tiếng/tuần với thu nhập 15 USD/tiếng, việc đổ đầy bình xăng một tuần hiện tốn 14% tổng thu nhập, tăng từ dưới 11% so với 10 tuần trước đó.

Iran cảnh báo Mỹ lãnh hậu quả nếu cố tình ngăn cản Tehran xuất khẩu dầu Iran cảnh báo Mỹ lãnh hậu quả nếu cố tình ngăn cản Tehran xuất khẩu dầu

VTV.vn - Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã lên tiếng đáp trả sau khi Mỹ chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với những nước và vùng lãnh thổ mua dầu mỏ của Iran.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước