Đánh thuế giới siêu giàu: Rượu mời hay rượu phạt?

PV-Thứ năm, ngày 18/07/2024 14:37 GMT+7

Những tỷ phú giàu nhất thế giới (Ảnh: Getty Images)

VTV.vn - Có những tỷ phú rời khỏi đất nước do không chịu nổi thuế tài sản, nhưng cũng có hàng trăm tỷ phú muốn được đóng thêm thuế để hỗ trợ phúc lợi xã hội.

Khi các tỷ phú có quyền lực ảnh hưởng đến thế giới

Khoảng 3.000 người trên thế giới nắm giữ tới gần 15 ngàn tỷ USD, tương đương tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản, Đức, Ấn Độ và Anh cộng lại.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7) vừa diễn ra cuối tuần vừa rồi tại Italy, Tổng thống Brazil Lula da Silva nhấn mạnh, đã đến lúc những người siêu giàu phải trả các khoản thuế tương ứng với họ, đồng thời cho rằng việc tập trung quyền lực và thu nhập quá mức hiện nay gây rủi ro cho nền dân chủ.

Thực tế, việc đánh thuế người siêu giàu như thế nào, áp mức thuế bao nhiêu là đủ, hiệu quả ra sao… không chỉ là những vấn đề mà Brazil hay Vương Quốc Anh đối mặt, mà nó tồn tại ở cả quốc gia giàu nhất thế giới là Mỹ và nhiều đất nước khác trên thế giới.

Theo thống kê từ tạp chí kinh tế Forbes của Mỹ, năm 2024 được coi là năm kỷ lục về số lượng tỷ phú tính theo đồng USD, với 2.781 tỷ phú trên toàn thế giới, cao hơn 141 người so với năm ngoái. Tuy nhiên không chỉ có rất nhiều tiền, mà những tỷ phú này có còn tầm ảnh hưởng nhất định trong một số lĩnh vực.

Kể từ năm 2019, gần như mỗi tuần tỷ phú Elon Musk đều đưa hàng chục vệ tinh Starlink vào quỹ đạo. Các vệ tinh liên lạc với các thiết bị đầu cuối trên Trái đất, vì vậy chúng có thể truyền Internet tốc độ cao đến hầu hết mọi nơi trên hành tinh.

Giờ đây, hơn 4.500 vệ tinh Starlink đang ở trên bầu trời, chiếm hơn 50% tổng số vệ tinh của thế giới đang hoạt động. Việc ông Musk gần như kiểm soát hoàn toàn vệ tinh Internet đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tại nhiều quốc gia rằng một mình ông có thể quyết định ngừng truy cập Internet Starlink của một khách hàng hoặc một nước nào đó. Mặt khác, ông cũng có khả năng tận dụng thông tin nhạy cảm mà Starlink thu thập được.

Đánh thuế giới siêu giàu: Rượu mời hay rượu phạt? - Ảnh 1.

Bill Gates là một trong những tỷ phú có nhiều đóng góp với công tác thiện nguyện nhất (Ảnh: Getty Images)

Vào năm 2000, tỷ phú Bill Gates và vợ đã quyết định thành lập quỹ từ thiện Bill and Melinda Gates với mục đích cải thiện hệ thống y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu. Nếu quỹ Gates là một Nhà nước thì đây sẽ là quốc gia giàu thứ 91 trên thế giới, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. Giới chuyên gia nhận định quỹ Gates có thể ảnh hưởng đến các chính sách y tế thế giới thông qua nhiều kênh như hiện diện trong các hệ thống quản lý y tế toàn cầu.

Một ngày làm việc bình thường của người trẻ hiện nay có thể được mô tả như sau: sáng đăng tải một dòng trạng thái lên Facebook, trưa chia sẻ một hình ảnh lên Instagram, chiều gửi một tin nhắn qua Messenger và tối gọi một cuộc điện thoại qua Whatsapp. Và cả bốn nền tảng nói trên đều thuộc tập đoàn Meta, một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới do tỷ phú Mark Zuckerberg sáng lập. Nắm trong tay dữ liệu của 1/3 dân số thế giới, ông chủ Meta hiển nhiên có khả năng gây ảnh hưởng rất lớn nếu thay đổi một trong những ứng dụng này.

Những cách né thuế của người siêu giàu

Các ngân hàng tư nhân và cố vấn cho giới siêu giàu tại Anh cho biết một số khách hàng của họ có thể rời khỏi Anh nếu Công đảng giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng tới. Reuters trích lời các nhà kinh tế cho rằng, mức thuế tổng thể có thể sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại dù bất kỳ đảng nào thắng cử.

Còn tại Hàn Quốc, rời khỏi đất nước và định cư ở nơi khác cũng là lựa chọn của nhiều người giàu nước này do gánh nặng thuế. Theo một nghiên cứu, Hàn Quốc đứng thứ 7 thế giới về lượng người giàu di cư. 800 người Hàn Quốc có tài sản ròng cao, trị giá từ 1 triệu USD trở lên, đã vĩnh viễn chuyển sang các quốc gia khác trong năm ngoái, tăng gấp đôi so với năm 2022.

Còn tại Na Uy, số người siêu giàu rời bỏ nước này đã tăng cao kỷ lục sau khi chính phủ tăng thuế đánh vào tài sản. Hơn 30 tỷ phú và triệu phú đã rời Na Uy trong năm 2022, nhiều hơn tổng số người thuộc nhóm siêu giàu rời Na Uy trong 13 năm trước đó cộng lại.

Giới siêu giàu Los Angeles đổ xô bán bất động sản để né thuế

Vào ngày 1/4 năm ngoái, thuế biệt thự đã chính thức có hiệu lực tại thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ. Một làn sóng bán bất động sản đã diễn ra ồ ạt, như một biện pháp để giới siêu giàu né thuế

Thuế biệt thự quy định, với các căn biệt thự có giá trị từ 5 triệu USD trở lên, khi được bán cho chủ mới, sẽ bị đánh thuế 4%. Còn biệt thự trị giá 10 triệu USD thì mức thuế lên tới 5,5%. Tiền thuế này được sử dụng để tài trợ cho các chương trình xây dựng nhà ở giá rẻ - ở một nơi mà biệt thự và siêu biệt thự mọc lên tràn lan như tại Los Angeles.

Đánh thuế giới siêu giàu: Rượu mời hay rượu phạt? - Ảnh 2.

Giới siêu giàu có 1001 cách để né thuế (Ảnh: Corywise)

Ông Jason Oppenheim (Chủ tịch Tập đoàn Oppenheim) cho biết: "Loại thuế này sẽ khiến rất nhiều nhân vật trong giới thượng lưu không còn muốn ở lại Los Angeles nữa. Bên cạnh đó những yếu tố như tỷ lệ người vô gia cư, hay tỷ lệ tội phạm cao cũng sẽ khiến địa phương trở nên kém hấp dẫn hơn với những người định cư giàu có".

Thậm chí, giới nhà giàu ở Los Angeles còn đưa ra mức hoa hồng lên tới 1 triệu USD hoặc là những chiếc siêu xe để có thể bán biệt thự càng nhanh càng tốt. Theo các chuyên gia bất động sản ở Los Angeles, mức giá trị 5 triệu USD chưa chắc đã đảm bảo rằng đó là biệt thự nhà giàu mà vẫn có thể là nhà ở kiểu chung cư mini, hay các bất động sản bậc trung bao gồm nhiều nhà ở giá thấp. Điều này ảnh hưởng tới mục tiêu của thuế biệt thự là giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà ở giá rẻ tại Los Angeles.

EU đánh thuế người siêu giàu

Các đảng cánh tả tìm cách thu hút cử tri bằng cách cam kết giảm bất bình đẳng, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Ý tưởng ấy dễ hiểu và hấp dẫn, nhưng trên thực tế, không mấy khi được áp dụng, hoặc áp dụng cho có. Nhiều người giàu lên là do họ tài giỏi và chăm chỉ, lúc đó thuế tài sản lại có phần bất công, triệt tiêu động lực làm giàu. Người giàu cũng là động lực cho nền kinh tế, họ đầu tư cho sản xuất kinh doanh hay tiêu dùng cá nhân thì cũng đều có lợi cho tất cả xã hội.

Nhìn chung, các nước châu Âu đều tìm cách giữ chân người giàu hơn là áp thuế có tính chất trừng phạt lên tài sản của họ.

Trong khi đó, thuế thừa kế ít gây tranh cãi hơn, nhiều nước châu Âu áp dụng, trên quan điểm mỗi người phải tự nỗ lực chứ không dựa vào tài sản của người khác để lại. Hàng năm, các nước châu Âu thu được khoảng 150 tỷ euro từ thuế thừa kế.

Thuế thừa kế tại Anh tối đa có thể lên tới 40% giá trị tài sản sau khi đã khấu trừ 325.000 bảng Anh, thuế suất như vậy còn thấp hơn tại Pháp, thuế thừa kế tối đa lên tới 60% sau khi khấu trừ giá trị bất động sản chính. Thuế thừa kế thúc đẩy chuyển giao doanh nghiệp gia đình cho thế hệ tiếp theo trong gia đình, trong trường hợp đó không phải đóng thuế thừa kế; khuyến khích cho tặng một phần di sản cho các quỹ thiện nguyện; và góp phần giảm bất bình đẳng xã hội.

Các tỷ phú cam kết chia sẻ tài sản

Trái ngược lại với những người phải để truy thu thuế, hai tỷ phú tự thân của Hàn Quốc đã cam kết trong nhiều tuần sẽ cho đi một nửa tài sản của họ. Hành động của hai vị doanh nhân trái ngược với hầu hết giới siêu giàu của Hàn Quốc, những người phần lớn là chaebol - các tập đoàn gia đình có ảnh hưởng rất lớn trong nền kinh tế xứ kim chi.

Đánh thuế giới siêu giàu: Rượu mời hay rượu phạt? - Ảnh 3.

Chiến dịch "Hãy đánh thuế chúng tôi ngay bây giờ!" kêu gọi của hơn 250 triệu phú và tỷ phú trên khắp thế giới đã cảnh báo về mối nguy hiểm do khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. (Ảnh: Getty Images)

Tỷ phú Kim Be-om su, người sáng lập ứng dụng nhắn tin lớn nhất Hàn Quốc KakaoTalk, tuyên bố sẽ quyên góp hơn một nửa trong khối tài sản ước tính 9,6 tỷ USD để giải quyết các vấn đề xã hội. Còn tỷ phú Kim Bong-jin, nhà sáng lập, CEO ứng dụng giao đồ ăn Woowa Brothers và vợ trở thành những người Hàn Quốc đầu tiên tham gia Giving Pledge - sáng kiến từ thiện do tỷ phú Bill Gates và vợ lập ra, kêu gọi người giàu có quyên góp ít nhất một nửa tài sản để làm từ thiện.

Chiến dịch "Hãy đánh thuế chúng tôi ngay bây giờ!" - lời kêu gọi của hơn 250 triệu phú và tỷ phú trên khắp thế giới đã cảnh báo về mối nguy hiểm do khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, đồng thời kêu gọi các chính phủ đánh thuế tài sản của họ. Thay vì né thuế, nay các tỷ phú này lại muốn đóng thêm thuế. Hành động này của hàng trăm người giàu... có thể góp phần giảm chênh lệch giàu nghèo trong xã hội và đảm bảo các dịch vụ an sinh xã hội được mở rộng hơn.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước