Dầu ăn thừa từ nồi lẩu: Nhiên liệu bền vững giúp hàng không xanh hóa?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 18/02/2023 13:54 GMT+7

VTV.vn - Lượng dầu ăn thừa được thải ra từ những nồi lẩu ở Trung Quốc được tái tạo thành nhiên liệu cho máy bay.

Dầu ăn thừa và nhiên liệu máy bay

12.000 tấn dầu thừa là lượng dầu ăn được thải ra mỗi tháng tại thành phố Thành Đô - thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Còn trên khắp cả nước Trung Quốc, trong cả năm, con số này có thể lên tới hàng chục triệu tấn dầu mỡ thừa. Điểm đến của chỗ dầu thừa này chính là những chiếc máy bay.

Cách đây một tháng, hãng hàng không Emirates đã bay thử thành công một chuyến bay được vận hành bằng nhiên liệu tái chế bền vững. Nhiên liệu này thường được làm từ dầu ăn đã qua sử dụng hoặc đường thực vật, chính là số dầu ăn thừa từ những nồi lẩu ở Trung Quốc, được tái tạo thành nhiên liệu cho máy bay.

Dầu ăn thừa từ nồi lẩu: Nhiên liệu bền vững giúp hàng không xanh hóa? - Ảnh 1.

Thu gom dầu từ thức ăn bỏ đi tại các nhà hàng ở Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg)

Ngành hàng không đang tạo ra khoảng 2% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Ngành này đang chịu áp lực phải làm thế nào để có thể chuyển hóa xanh, vừa thân thiện với môi trường, mà vẫn tiết kiệm được chi phí. Đó chính là tìm ra nguồn nhiên liệu bền vững. Liệu dầu ăn thừa có phải là câu trả lời cho vấn đề này?

Hành trình của dầu mỡ thừa từ các nhà hàng lẩu Trung Quốc đến máy bay như thế nào?

Trung Quốc gọi là dầu cống rãnh - dầu thải ra từ chế biến thức ăn, dầu thừa từ lẩu - món nổi tiếng Tứ Xuyên, dùng ngập dầu trong nồi lẩu. Công ty công nghệ môi trường Kim Thượng Tứ Xuyên, đơn vị xuất khẩu dầu thải từ thu gom dầu đã qua sử dụng, tại thủ phủ của món lẩu Tứ Xuyên nổi tiếng khắp Trung Quốc.

Chỉ riêng tại TP Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, mỗi tháng công ty đã thu gom hơn 12.000 tấn dầu thải. Sau thu gom công ty loại bỏ các tạp chất, sơ chế thành dầu hỗn hợp công nghiệp và vận chuyển xuống tàu xuất sang các công ty sản xuất nhiên liệu sạch trên thế giới. Dầu này sẽ tiếp tục được tinh chế thành dầu diesel sinh học hoặc nhiên liệu máy bay.

Trung Quốc tiêu thụ nhiều dầu ăn nhất thế giới, hơn 41 triệu tấn mỗi năm. Trong số này có chưa tới 3 triệu tấn được chế biến thành dầu sinh học. Từ chỗ tốn kém trong xử lý dầu thải, việc sử dụng dầu thải làm nguyên liệu chế biến thành dầu sinh học phục vụ cho máy bay đã mở ra một triển vọng rất lớn cho các doanh nghiệp Trung Quốc.

Nhu cầu quốc tế đối với nhiên liệu hàng không bền vững

Mọi sáng kiến đều bắt nguồn từ nhu cầu. Việc xanh hóa nhiên liệu máy bay cũng vậy. Ngành hàng không tạo ra 2% lượng khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Cùng với ô tô, máy bay chính là một trong những loại phương tiện di chuyển gây ô nhiễm môi trường nhất. Các tổ chức hàng không trên thế giới đều đang đặt ra mục tiêu sẽ giảm thiểu, thậm chí chấm dứt phát thải CO2.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế đã đưa ra kế hoạch giảm thiểu và bù carbon vào năm 2016, một động thái nhằm khuyến khích sử dụng các nhiên liệu bền vững bên cạnh cải tiến kỹ thuật và vận hành.

Liên minh châu Âu cũng đang thắt chặt các quy định của mình, đưa ra yêu cầu mới buộc các máy bay, sân bay phải sử dụng 5% nhiên liệu hàng không bền vững vào năm 2030 và dần tăng lên 85% vào năm 2050.

Năm ngoái, sản lượng nhiên liệu hàng không bền vững toàn cầu đã tăng 200% so với cùng kỳ năm 2021, đạt hơn 300 triệu lít.

Dầu ăn thừa từ nồi lẩu: Nhiên liệu bền vững giúp hàng không xanh hóa? - Ảnh 2.

Từ trái qua: các chai đựng nhiên liệu sinh học, dầu diesel sinh học và dầu công nghiệp trộn lẫn cùng với dầu cặn bã thức ăn. (Ảnh: Bloomberg)

"Ngành hàng không đặt kỳ vọng đến năm 2050 sẽ chấm dứt phát thải CO2. Bên cạnh phát triển các công nghệ động cơ, thiết kế máy bay mang tính cách mạng, nhiên liệu bay bền vững, còn gọi SAF (Sustainable Aviation Fuel), được xem là chìa khóa. Dự báo nhu cầu nhiên liệu bay bền vững cần cung cấp đạt khoảng 450 tỷ lít/năm vào năm 2050, gấp 1.500 con số hiện nay", ông Philip Goh, Phó Chủ tịch vùng châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), cho biết.

Trong động thái mới nhất tuần qua, tập đoàn sản xuất máy bay lớn nhất Mỹ - Boeing đã ký thỏa thuận mua vào 21,2 triệu lít nhiên liệu hàng không bền vững từ nhà sản xuất SAF hàng đầu thế giới Neste để dùng trong các chuyến bay nghiệp vụ thương mại của hãng này. Con số này cao gấp đôi năm ngoái.

"Năm nay, lượng nhiên liệu SAF mua vào chiếm 25% tổng nhu cầu nhiên liệu năm ngoái, bao gồm các hoạt động bay phục vụ sản xuất, giao hàng, cũng như các chuyến bay chở hàng Dreamlifter. Boeing đặt mục tiêu tiếp tục tăng tỷ lệ này trong những năm tới", bà Sheila Remes, Phó Chủ tịch mảng Môi trường bền vững của Boeing, chia sẻ.

Trong năm 2021, có 2 công ty trên thế giới tạo ra loại nhiên liệu bền vững cho máy bay ở quy mô thương mại, do vậy tiềm năng là rất lớn. Ngoài ra, những gã khổng lồ năng lượng cũng bắt đầu quan tâm tới loại nhiên liệu này.

Trung Quốc làm gì để đón sóng thị trường?

Hai yếu tố khiến ngành tái chế dầu thải phát triển mạnh thời gian tới, đó là Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh và thị trường xuất khẩu ngày càng rộng mở.

Ngoài các công ty xuất khẩu thô thông qua sơ chế như Công ty Công nghệ Môi trường Kim Thượng Tứ Xuyên cùng nhiều doanh nghiệp khác, Tập đoàn Hóa dầu Quốc gia Trung Quốc Sinopec cũng đã bán xuất nhiên liệu sinh học cho máy bay cho châu Âu sau khi đưa loại nhiên liệu này phục vụ các chuyến bay quốc tế chở khách sang châu Âu.

Các hãng bay China Eastern Airlines, China Southern Airlines, Air China ngày càng gia tăng dùng nhiên liệu sinh học từ dầu cống rãnh này.

Sau Mỹ, Pháp, Phần Lan, Trung Quốc trở thành nước thứ 4 có công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học hàng không sinh học độc lập này.

So với dầu hàng không truyền thống, nhiên liệu này thải CO2 ít hơn tới hơn 50%. Giữa năm ngoái, Trung Quốc đã chế tạo thành công bộ thiết bị chế biến nhiên liệu sinh học từ dầu ăn thải với công suất 100.000 tấn/năm.

Gần đây, châu Âu thúc đẩy ứng dụng loại nhiên liệu sạch này. Lãnh đạo PetroChina tại London cho biết, trong những năm gần đây, hợp tác xanh trở thành điểm sáng trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và EU.

Thách thức trong phát triển nhiên liệu bền vững cho máy bay

Các doanh nghiệp trong ngành đang cố gắng tận dụng mọi loại nguyên liệu thô, từ dầu ăn đã qua sử dụng, cho tới các sản phẩm nông nghiệp để tăng sản lượng nhiên liệu bền vững cho máy bay. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức chưa thể giải quyết trong ngày một, ngày hai.

Theo các chuyên gia, thách thức đầu tiên đến từ vấn đề đất nông nghiệp. Nếu muốn đáp ứng nhu cầu nhiên liệu bền vững của ngành hàng không, thế giới sẽ cần tới 300 triệu ha đất chuyên trồng các loại cây có thể dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học. Con số này tương đương với gần 1/5 diện tích đất canh tác trên toàn thế giới hiện nay.

Dầu ăn thừa từ nồi lẩu: Nhiên liệu bền vững giúp hàng không xanh hóa? - Ảnh 3.

Máy bay nạp nhiên liệu SAF ở Nhật. (Ảnh: Yomiuri Shimbun)

Ngoài ra, vấn đề chi phí cũng sẽ là một khó khăn, bởi giá trung bình của nhiên liệu máy bay hóa thạch hiện là 0,8 USD/lít, rẻ hơn nhiều so với hầu hết các loại nhiên liệu bền vững.

Cụ thể, nhiên liệu được tạo ra từ các este và axit béo đã qua xử lý thủy phân (HEFA) có thể đắt gần gấp 3 lần, trong khi nhiên liệu tổng hợp có thể đắt gần gấp 6 lần nhiên liệu hóa thạch. Sự chênh lệch lớn về giá cả sẽ là thách thức không nhỏ đối với việc phổ biến nhiên liệu bền vững trong ngành hàng không.

Biến dầu ăn thải loại thành dầu diesel sinh học Biến dầu ăn thải loại thành dầu diesel sinh học

VTV.vn - Một quán cà phê tại Cloncurry ở Tây Bắc Queensland, Australia đã có sáng kiến biến dầu ăn thải loại thành dầu diesel sinh học. Sáng kiến này đang được cộng đồng quan tâm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước