Đâu là giải pháp "gỡ nút thắt" vốn đầu tư nhà ở xã hội?

Trung tâm Tin Tức VTV24-Thứ bảy, ngày 06/04/2019 07:04 GMT+7

VTV.vn - Hiện có hàng trăm người có thu nhập thấp mua nhà ở xã hội nhưng mãi chưa được nhận nhà. Nguyên nhân là do doanh nghiệp bị thiếu vốn triển khai.

Quyền lợi người mua nhà ở xã hội được giải quyết như thế nào?

Câu chuyện đang làm nóng thị trường nhà ở xã hội tại TP.HCM là việc hàng trăm người dân mua nhà ở xã hội tại dự án 35 Hồ Học Lãm, quận Bình Tân, đã phải chờ gần 2 năm qua vẫn chưa nhận được nhà. Lý do vì doanh nghiệp thiếu vốn triển khai, dự án dù đã xong hơn 70% hạng mục nhưng lại dậm chân tại chỗ.

Dự án đứng tên chủ đầu tư là Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM - HOF hợp tác cùng Công ty Cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân thực hiện. Đây có thể nói là một trong những dự án nhà ở xã hội điển hình trong việc hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân để xây dựng. Nhưng dự án này cũng cho thấy nhiều nút thắt từ loại hình hợp tác này.

Theo đại diện Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM, dự án nhà ở xã hội 35 Hồ Học Lãm được xây dựng trên quỹ đất của thành phố, do thiếu nguồn vốn triển khai nên đã hợp tác với công ty Hoàng Quân. Người dân đã đóng tiền từ 50-70% giá trị căn hộ (khoảng 275 tỷ đồng) trực tiếp qua quỹ và được chuyển giao qua Hoàng Quân để xây dựng.

Tuy nhiên, đến khi đạt hơn 70% hạng mục, doanh nghiệp không xoay sở được vốn để thực hiện tiếp tục dự án. Trước thực trạng này, với tư cách chủ đầu tư quỹ sẽ chịu trách nhiệm xử lý hậu quả bằng giải pháp: Quỹ sẽ trích tiền từ quỹ để Hoàng Quân tiếp tục hoàn thiện dự án. Sau đó, quỹ thu phần tiền còn lại của cư dân để bù lại kinh phí đã bỏ ra.

Cũng theo quỹ, số tiền còn lại để hoàn thiện dự án này dự kiến lên đến 125 tỷ đồng.

TP.HCM gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội

Không chỉ TP.HCM, câu chuyện trễ hẹn bàn giao nhà ở xã hội còn xảy ra hàng loạt ở Hà Nội, Nha Trang, Cần Thơ… Có một thực tế, một phần nguyên nhân khiến nhiều chủ đầu tư thiếu vốn là trong vòng 2 năm gần đây, khi gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng của Chính phủ chấm dứt, chủ đầu tư cũng như người mua nhà không còn được tiếp tục vay vốn ưu đãi, phải chuyển qua vay thương mại với lãi suất cao gấp đôi. Phân khúc nhà ở xã hội vì thế chững lại.

Liên quan đến câu chuyện ở TP.HCM, việc xử lý ở dự án 35 Hồ Học Lãm chỉ là giải pháp trước mắt cho một dự án, về lâu dài với hàng chục dự án nhà ở xã hội (với hơn 44.000 căn hộ) được đầu tư trên địa bàn thành phố cần có những giải pháp tổng thể hơn, đặc biệt làm làm sao hấp dẫn được những chủ đầu tư bất động sản uy tín, có năng lực.

Từ nay đến năm 2020, TP.HCM dự kiến sẽ hoàn thành khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, con số này chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của người dân. Ví dụ theo thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM, có một dự án nhà ở xã hội đang được triển khai khoảng 1.000 căn thì có đến 7.000 hồ sơ xin được mua căn hộ tại dự án này.

Theo đại diện Sở Xây Dựng TP.HCM, với nguồn vốn đầu tư còn eo hẹp từ ngân sách, điều tất yếu thành phố muốn làm nhà ở xã hội phải kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp. Tuy nhiên, để làm được việc này, chính sách nhà ở xã hội cần được gỡ các nút thắt.

Thủ tục hành chính chưa hấp dẫn

Thực tế, hiện theo quy định vẫn chưa có bộ thủ tục đấu thầu riêng để chọn nhà đầu tư đối với dự án nhà ở xã hội, thay vào đó chính quyền vẫn phải lựa chọn nhà đầu tư theo thủ tục đấu thầu chung. Đây là điều cần xem xét điều chỉnh.

Hiện một nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT 5%. Tuy nhiên, họ không còn hỗ trợ vay với lãi suất thấp.

Có thể thấy, chính sách hỗ trợ nguồn vốn đầu tư nhà ở xã hội thay đổi khiến nhiều chủ đầu tư trở tay không kịp thời gian qua cũng là bài học khiến nhiều chủ đầu tư khác e ngại.

Bên cạnh việc kêu gọi nguồn lực khác ngoài ngân sách, TP.HCM tiếp tục khai thác bằng cách đấu giá các quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để tăng thêm nguồn vốn đầu tư cho nhà ở xã hội. Bởi tính đến nay, thành phố dù đã có 21 dự án nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, tuy nhiên con số này vẫn còn khá ít so với nhu cầu chung.

Trước những bất cập trên, Sở Xây dựng TP.HCM và Hiệp hội bất động sản thành phố đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị Chính phủ, trong đó đáng chú ý là đề xuất kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa chương trình phát triển nhà ở xã hội vào danh mục được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để đảm bảo nguồn vốn cho loại hình nhà ở mang tính an sinh này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước