Hôm nay (26/6), tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị đối thoại Hải quan với Doanh nghiệp do Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) phối hợp với Ban Cải cách và Hiện đại hóa – Tổng cục Hải quan, Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Hà Nội, Hiệp hội DNNVV Thành phố Hà Nội tổ chức. Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp nêu những khó khăn, vướng mắc và đối thoại trực tiếp với các lãnh đạo Tổng cục Hải quan xung quanh 3 chuyên đề: Sử dụng Hệ thống VINASS/VCIS; Kiểm tra hàng hóa chuyện ngành; Thực hiện các giao dịch thương mại qua biên giới.
Trực tiếp chủ trì Hội nghị là ông Vũ Ngọc Anh – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Tổng cục Hải quan, lãnh đạo VPSF, lãnh đạo HanoiBA, HanoiSME và các doanh nghiệp.
Vừa qua, từ ngày 1/3/2017, Tổng cục Hải quan đã chính thức triển khai Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến gồm 41 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hải quan, cho phép đối tượng thực hiện thủ tục là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ điện tử và theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ tại tất cả các đơn vị hải quan trên toàn quốc. Đối với mỗi thủ tục được cung cấp DVCTT, Tổng cục Hải quan đề đăng tải hướng dẫn, trình tự thực hiện theo quy định hiện hành.
Mặc dù đã có những cải tiến mạnh mẽ về thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xuất nhập khẩu hành hóa chủ yếu do trở ngại từ thủ tục kiểm tra hàng hóa chuyên ngành. Đây cũng được coi là một trong những nút thắt trong cải cách thủ tục hành chính, theo tinh thần Nghị quyết 19.
Trong khi thủ tục hải quan chỉ chiếm 28% thời gian thông quan hàng hóa thì thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 72% và làm tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Tại hội nghị, Tổng cục Hải quan cho biết, hiện nay, tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên trước khi thông quan còn rất cao (khoảng 30%) trong khi tỷ lệ không đạt yêu cầu rất thấp, chỉ dưới 1%. Nghị quyết 19 đã yêu cầu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30-35% xuống 15% vào năm 2016. Tuy nhiên mục tiêu này đến nay vẫn chưa đạt được.
Giải pháp nào để cải tiến thủ tục kiểm tra hàng hóa chuyên ngành?
Trong thời gian qua, VPSF đã liên tục có công văn kiến nghị về vướng mắc kiểm tra chuyên ngành đến Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, Tổng cục Hải quan và các Bộ có quy định về kiểm tra chuyên ngành. Một số kiến nghị cụ thể của VPSF là: Thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến điện tử, giấy phép nhập khẩu hành mobile theo invoice/shipment; Thủ tục kiểm dịch thực vật đối với mặt hàng Bông xơ; Đề nghị bãi bỏ thủ tục cấp giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định an toàn vệ sinh thực phẩm; Đề nghị bỏ giấy phép XNK tự động một số mặt hành như phân bón, hóa chất, thép. Hàng nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh…
Tại Hội nghị, đại diện Tổng cục Hải quan đánh giá, hiện tại có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhiều mặt hàng chưa có mã HS, quy chuẩn, tiêu chuẩn còn chồng chéo trong quản lý kiểm tra. Bên cạnh đó, việc thực hiện vẫn còn thủ công, chưa áp dụng quản lý rộng rãi, công nhận lẫn nhau, chưa ứng dụng CNTT. Nguồn lực thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu còn thiếu và yếu trong khi nhiều doanh nghiệp chưa nắm vững quy định về quản lý/kiểm tra chuyên ngành.
Đại diện Tổng cục Hải quan đưa ra giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý và kiểm tra chuyên ngành
Theo đại diện Tổng cục Hải quan, để nâng cao hiệu quả quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với xuất nhập khẩu hàng hóa, cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận tiện; giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm chi phí cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, cần giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK ngang bằng với các nước ASEAN-4, đạt mục tiêu năm 2017, dưới 70h đối với hàng xuất khẩu và dưới 90h với hàng nhập khẩu, giảm tỷ lệ kiểm tra chuyên nành từ 30-35% xuống còn 15%.
Một số giải pháp cụ thể cũng đã được đại diện Tổng cục Hải quan đưa ra như: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy; Đổi mới căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành, Tăng cường nguồn lực thực hiện hoạt động quản lý chuyên ngành; Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành; Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ, ngành, tổ chức, đơn vị liên quan; Tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động quản lý chuyên ngành…
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!