Đối với các dự án nhiệt điện do Tập đoàn Than - Khoáng sản làm chủ đầu tư, ngoài mục tiêu phát điện còn phải tận dụng nguồn than chất lượng thấp. Vì vậy, việc lựa chọn công nghệ phù hợp có vai trò quyết định hiệu quả đầu tư.
Theo Hội đồng Khoa học Năng lượng Việt Nam, nếu lựa chọn tổng thầu EPC (hợp đồng để thực hiện các công việc từ thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình) giá rẻ thì chi phí vận hành sau đó sẽ rất cao. Chỉ sau 2-3 năm vận hành đã phải bảo dưỡng, sửa chữa. Hơn nữa, các dự án do tổng thầu EPC giá rẻ thực hiện đều chậm tiến độ tối thiểu là 2 năm.
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, chi phí vận hành thấp và ổn định là tiêu chí hàng đầu thể hiện tính hiệu quả của dự án. Đã có không ít bài học nhãn tiền từ lựa chọn đấu thầu giá rẻ, gần đây nhất là sự cố hỏng tuabin lần thứ hai tại Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả, Quảng Ninh.
Theo Quy hoạch điện 7, từ nay đến năm 2021, Tập đoàn Than - Khoáng sản sẽ xây dựng và đưa vào vận hành 4 nhà máy nhiệt điện mới, trong đó có nhiệt điện Na Dương II với công suất 110MW. Mục tiêu của dự án là phải tận dụng nguồn than nâu tại chỗ, chất lượng thấp. Vì vậy, không thể áp dụng tổng thầu EPC vì nếu công nghệ không phù hợp, dự án này có nguy cơ chết yểu.
Công nghệ lò hơi tuần hoàn theo tiêu chuẩn G7 là đề xuất của Hội đồng Khoa học Năng lượng Việt Nam cho Nhà máy nhiệt điện Na Dương II, đây không phải là dự án lớn, nhưng có tầm quan trọng đặc biệt. Khi hoàn thành sẽ cung cấp hơn 700 triệu KWh điện mỗi năm, tương đương với mức điện năng Việt Nam phải mua của Trung Quốc mỗi năm.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.