Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư.
Việt Nam sẽ trở thành một trong những điểm đến cho sản xuất và lắp ráp của các công ty đa quốc gia trong năm nay. Đây là nhận định của các chuyên gia trong bài viết trên trang Vietnam Briefing của công ty chuyên về tư vấn đầu tư tại châu Á.
Theo tác giả, thời gian qua, Việt Nam không ngừng đưa ra các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp. Vì vậy, đây sẽ là nơi lý tưởng cho các nhà đầu tư muốn bắt đầu hoạt động kinh doanh trong nước.
Về triển vọng trong năm nay, tác giả bài viết nhận định, nhờ chi phí lao động cạnh tranh, các ưu đãi về thuế và đầu tư, cùng với vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu các công ty đa quốc gia.
Việt Nam dự kiến sẽ đưa tăng trưởng kinh tế phục hồi về mức trước đại dịch và sẽ tiếp tục phát huy vai trò là một trung tâm sản xuất chi phí thấp nhờ sự mở rộng của các ngành công nghiệp chính hiện có.
Các dự án cơ sở hạ tầng sẽ tạo điều kiện giao thông thuận tiện kết nối các khu công nghiệp với cảng biển. Nhu cầu thuê đất và nhà xưởng xây sẵn dự kiến tăng mạnh trong năm 2022.
Trong năm 2021, dù phải đối mặt với một số thách thức do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Việt Nam tiếp tục ghi nhận tín hiệu khả quan trong đầu tư nước ngoài.
Bài viết trên trang Vietnam Briefing dẫn số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho hay, trong năm 2021, Việt Nam cấp phép cho 1.738 dự án mới, giảm 31,1% về số dự án so với năm 2020, song vốn đăng ký của các dự án mới đạt 15,2 tỷ USD, tăng 4,1% so với năm trước.
Riêng các khu kinh tế, khu công nghiệp vẫn thu hút được 539 dự án FDI và 615 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký cấp mới 12,8 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!