Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử

VTV Digital-Thứ tư, ngày 31/05/2023 09:39 GMT+7

Kinh tế số Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, với sự đóng góp quan trọng của thương mại điện tử. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Tin tức)

VTV.vn - Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 18 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Chỉ thị nêu rõ, trong những năm gần đây, kinh tế số Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, với sự đóng góp quan trọng của thương mại điện tử (TMĐT). Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, quản lý thuế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định và quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan đã tổ chức thực hiện và triển khai các giải pháp cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế, thương mại điện tử,… góp phần hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng, xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường TMĐT phát triển nhanh chóng và bùng nổ, đã đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, quản lý thuế, bảo đảm nguyên tắc công bằng, quản lý rủi ro dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu lớn… thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh trên nền tảng số; đặc biệt, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý đầy đủ các chủ thể tham gia, kiểm soát các giao dịch thanh toán, xác thực thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người nộp thuế. Việc tuân thủ các nguyên tắc này cũng góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, thân thiện, cùng phát triển và phát huy những giá trị to lớn mà lĩnh vực TMĐT mang lại cho từng cá nhân, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam, đóng góp tương xứng vào ngân sách nhà nước.

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động TMĐT, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trong việc hoàn thiện việc sửa đổi chính sách, pháp luật thuế liên quan đến TMĐT, cắt giảm thủ tục hành chính, thu gọn đầu mối kê khai, tăng cường triển khai các giải pháp thu thuế tại nguồn, chống thất thu thuế, thực hiện nghiêm các chế tài xử lý vi phạm về thuế, hải quan. Chỉ đạo Tổng cục Thuế xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số để áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế trên cơ sở dữ liệu lớn (Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong năm 2023).

Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng kế hoạch chi tiết về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan để tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ số xuyên biên giới; xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kết nối, chia sẻ dữ liệu. Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong quý III/2023; đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện chuẩn hóa, số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu về TMĐT theo lộ trình cụ thể của từng bộ, ngành.

Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trong việc hoàn thiện sửa đổi chính sách, pháp luật về quản lý nhà nước đối với TMĐT, trong đó tăng cường chế tài xử lý hành vi vi phạm về lưu trữ và cung cấp thông tin theo quy định quản lý nhà nước về TMĐT đối với các chủ thể của hoạt động TMĐT; xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về TMĐT phục vụ công tác quản lý thuế, hải quan và các công tác quản lý nhà nước khác theo yêu cầu của Chính phủ (Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong năm 2025).

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch chi tiết về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu để tăng cường công tác quản lý thuế đối với các hình thức tổ chức hoạt động TMĐT trong nước; xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kết nối, chia sẻ dữ liệu hiện hành (thời hạn hoàn thành chậm nhất trong quý III/2023); đồng thời, phối hợp trao đổi thông tin với Bộ Tài chính để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp để xử lý vi phạm về hoạt động TMĐT theo quy định pháp luật đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động TMĐT không kê khai, nộp thuế (Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong năm 2023).

Bộ Công Thương chủ trì triển khai việc tích hợp tài khoản định danh điện tử, ứng dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip hoặc dữ liệu dân cư để xác thực chủ thể của hoạt động TMĐT tham gia giao kết hợp đồng trên Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam; quản trị, vận hành, bảo đảm ổn định Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam (thời hạn hoàn thành chậm nhất trong năm 2023); có giải pháp khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TMĐT ứng dụng tài khoản định danh điện tử, ứng dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip hoặc dữ liệu cư dân để xác thực thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT (Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong năm 2023).

Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trong việc hoàn thiện việc sửa đổi chính sách, pháp luật về hệ thống thanh toán quốc gia, bảo mật thông tin của các tổ chức tín dụng để phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ. Tiếp tục thúc đẩy, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển các tiện ích thanh toán điện tử để thúc đẩy TMĐT.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan trong việc thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong TMĐT theo quy định của Luật Quản lý thuế và quy định pháp luật liên quan.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch chi tiết về việc chỉ đạo, hướng dẫn ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép trong việc kết nối, cung cấp thông tin với cơ quan quản lý thuế liên quan đến giao dịch qua ngân hàng của tổ chức, cá nhân và phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế (Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong quý III/2023).

Cũng tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Văn phòng Chính trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ liên quan nhằm đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Hàng giả trên thương mại điện tử: Quản bằng cách nào? Hàng giả trên thương mại điện tử: Quản bằng cách nào?

VTV.vn - Thị trường thương mại điện tử phát triển mang đến sự tiện lợi cho người tiêu dùng, nhưng cùng với đó cũng tiềm ẩn những rủi ro đến từ nạn hàng giả, hàng kém chất lượng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước