Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 05/10/2024 20:45 GMT+7

VTV.vn - Hiện vẫn còn 29 bộ, cơ quan Trung ương và 26 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Hết tháng 9 vừa qua, cả nước ước giải ngân được trên 320.500 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt trên 47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Hiện vẫn còn 29 bộ, cơ quan Trung ương và 26 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Theo các chuyên gia, đầu tư công vẫn là những động lực tăng trưởng chính, đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên chỉ còn 3 tháng nữa để các bộ, ngành, địa phương phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng của năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt hơn 47%. Trong bối cảnh chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm, việc giải ngân 663.000 tỷ đồng vốn đầu tư công của cả năm nay là nhiệm vụ nhiều khó khăn, thách thức.

Các dự án hạ tầng, dự án giao thông trọng điểm luôn chiếm từ 45-60% tỉ lệ phân bổ vốn đầu tư công tại các tỉnh thành phố. Thế nhưng, vướng mắc về cơ chế chính sách, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vướng mắc về thiếu nguyên vật liệu là những nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân các dự án bị chậm.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Mặt bằng hiện vẫn là lực cản lớn nhất cho nhiều dự án giao thông

Nhiều dự án chậm tiến độ do thiếu hạn mức đất giao thông

Sau gần nửa năm khởi công, dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng mới giải phóng mặt bằng được khoảng 40%. Mục tiêu giải phóng được 70% mặt bằng trong tháng 9 năm nay của tỉnh Lạng Sơn đã không đạt được như kỳ vọng. Thiếu mặt bằng, nhiều mũi thi công của dự án chưa thể bứt tốc .

Ông Nguyễn Quang Vĩnh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết: "Để giải quyết bài toán lâu dài, chúng tôi vẫn muốn Bộ Tài nguyên Môi trường, Chính phủ có những hướng dẫn cụ thể để các địa phương tự tin hơn trong công tác phê duyệt giải phóng mặt bằng".

Đại diện tỉnh Lạng Sơn cho biết, sau khi điều chỉnh hạn mức đất ở các dự án khác thì địa phương vẫn đang thiếu chỉ tiêu đất cho giao thông. Để điều chỉnh chỉ tiêu đất cho giao thông, mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép địa phương tự quyết định. Tuy nhiên, hướng dẫn cụ thể thế nào vẫn chưa có, khiến việc thu hồi đất của hai dự án đường bộ cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh vẫn chưa nhiều tiến triển.

Ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Chỉ tiêu quy hoạch đất giao thông cho tỉnh Lạng Sơn để triển khai hai dự án này tổng còn thiếu 170 ha. Chúng tôi rất mong sớm được giải quyết để công tác giải phóng mặt bằng sẽ được đẩy nhanh hơn".

Những máy móc này nhẽ ra phải được đưa vào hiện trường ngay từ lúc lên đây. Nhưng nhiều tháng nay vẫn phải nằm yên, bất động. Mặt bằng hiện vẫn là lực cản lớn nhất cho nhiều dự án giao thông trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công của 9 tháng năm 2024 thấp hơn kỳ vọng năm 2023 vẫn chủ yếu nằm ở các nguyên nhân chủ quan, đặc biệt công tác chỉ đạo điều hành ở các cấp cơ sở, cấp tổ chức thực hiện từ đầu năm đến nay cũng chưa quyết liệt. Nhiều nơi xuất hiện tình trạng đùn đẩy, sự thận trọng quá mức của một bộ phận cán bộ, khiến nhiều dự án lớn tiếp tục chậm tiến độ.

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: "Những năm vừa qua, giải ngân đầu tư công luôn luôn là trọng tâm ưu tiên của Chính phủ, cũng như của các Bộ ngành địa phương. Tuy nhiên, sang năm 2024, tốc độ giải ngân có xu hướng chậm hơn so với các năm trước. Một số nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này, thứ nhất là khâu chuẩn bị dự án. Có rất nhiều dự án đầu tư công nhưng thủ tục để chuẩn bị dự án đầu tư công còn kéo dài, dẫn đến chúng ta làm chậm đi tiến độ giải ngân. Yếu tố thứ hai là vướng mắc về những cơ chế, chính sách. Cho đến nay, chúng ta nhận diện được vấn đề nhưng thể chế của chúng ta vẫn chưa kịp thời thay đổi. Chính vì vậy, đây là nguyên nhân chính dẫn đến các thủ tục kéo dài. Một vấn đề quan trọng nữa là thiếu nguồn vật liệu và cát để đắp nền. Đây là tình trạng khá phổ biến bởi vì thời gian vừa qua, đầu tư công là một trong những trọng tâm của rất nhiều công trình. Việc triển khai hàng loạt các dự án khiến cho tình trạng thiếu cát cũng như vật liệu đắp nền trở nên trầm trọng hơn. Một nguyên nhân lớn từ đó thủ tục để chúng ta cấp phép, cấp mỏ vật liệu cũng là một điểm nghẽn.

Thời gian qua, mặc dù Quốc hội cũng có các Nghị quyết áp dụng thí điểm đặc thù cho một số công trình dự án nhưng với việc triển khai nhiều dự án như hiện nay, đây vẫn là một điểm nghẽn rất lớn, đặc biệt là các công trình trọng điểm ở các tỉnh miền Nam hoặc các vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Một yếu tố nữa là vấn đề giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, từ ngày 1/8, Luật Đất đai có hiệu lực và cũng là một những lý do các địa phương điều chỉnh mức vốn đầu tư do Luật Đất đai có hiệu lực dẫn tới khó khăn, chậm trễ hơn trong việc giải ngân. Bên cạnh đó, những thủ tục về đấu thầu mới cũng gây ra những khó khăn mới cho hoạt động giải ngân. Điểm cuối cùng, đó là sự vào cuộc của các địa phương. Trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, vai trò phối hợp giữa các cơ quan, vai trò chỉ đạo của các lãnh đạo các địa phương cũng như của các tổ công tác đặc biệt quan trọng. Thời gian vừa qua, chúng ta đã có những thành công trong năm 2023 nhưng sang năm 2024, sự quan tâm giảm sút hơn dẫn tới đến tháng 9 mới giải ngân được 47%".

Theo ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), những thách thức ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công liên quan đến toàn bộ chu trình chuẩn bị và thực hiện dự án. Để thực hiện nhanh, trong quá trình chuẩn bị dự án phải có các bước chuẩn bị từ trước, quy trình thủ tục linh hoạt để điều chỉnh nội dung trong quá trình thực hiện. Khi thực hiện có vướng mắc mà quy trình thủ tục khó khăn sẽ gây ra chậm trễ trong quá trình thực hiện dự án. Ở góc độ chính sách, cần phải có các biện pháp, đẩy việc chuẩn bị dự án tốt hơn, sớm hơn, có thể đi song song với nhau để tiết kiệm thời gian đồng thời thêm chính sách điều chỉnh linh hoạt để điều chỉnh, thúc đẩy hoạt động giải ngân dự án.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 2.

Giải ngân vốn đầu tư công của 9 tháng năm 2024 thấp hơn kỳ vọng năm 2023

TP. Hồ Chí Minh phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân đầu tư công

TP. Hồ Chí Minh được giao kế hoạch vốn trên 79.200 tỷ đồng, chiếm gần 12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cả nước, nhưng hiện chỉ mới giải ngân khoảng 20%. Trong phiên họp thường kỳ tháng 9 diễn ra mới đây, người đứng đầu Thành phố yêu cầu, phải dốc toàn lực để giải ngân vốn đầu tư công. Trong quá trình thực hiện, gặp khó khăn có thể báo cáo Phó Chủ tịch, Chủ tịch, thậm chí Bí thư Thành uỷ bất cứ lúc nào.

Tính đến ngày 30/9, Thành phố mới chỉ giải ngân được hơn 20% trong tổng số hơn 79.200 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2024. Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, giải ngân chậm ảnh hưởng lớn đến ngành xây dựng và các ngành khác, giảm vai trò vốn mồi thu hút đầu tư ngoài Nhà nước. Với ngành giao thông, một trong những ngành chiếm vốn đầu tư công lớn nhất của TP. Hồ Chí Minh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân chưa cao.

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến: "Thành phố chúng ta đang trong giai đoạn hoàn chỉnh rà soát để chuyển đổi, rà soát để lập quy hoạch chung theo ý tưởng phù hợp phát triển Thành phố. Trong quá trình làm cũng vừa rà soát vừa làm sao để phù hợp thỏa mãn với quy hoạch và phát triển Thành phố sắp tới ,cho nên một số công trình cũng phải rà soát để đảm bảo yếu tố này".

Dù giải ngân đầu tư công còn thấp và chỉ có hơn một quý để thực hiện, nhưng TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa có ý định điều chỉnh chỉ tiêu giải ngân đầu tư công. Thay vào đó, Thành phố tập trung giải quyết những vướng mắc để đạt kết quả, ít nhất là 95% kế hoạch vốn được giao.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đưa ra nhận định: "UBND sẽ rà soát lại phân nhóm và sẽ báo cáo các đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ lập ra để các đồng chí cùng tập trung. Đây là một trong những nhiệm vụ từ đây đến cuối năm cả hệ thống chính trị của chúng ta phải tập trung toàn lực để chúng ta đạt được kết quả cao nhất".

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, chỉ có nỗ lực giải ngân đầu tư công trong ba tháng còn lại của năm thì mới tạo tiền đề dẫn dắt kinh tế phát triển, thu hút đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Khó khăn ở đâu báo cáo, báo cáo đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch không được thì báo cáo Bí thư luôn. Để chúng ta quyết tâm đạt được nhiệm vụ này".

Thời gian tới, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh yêu cầu, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án giao thông trọng điểm, bao gồm các tuyến vành đai, dự án metro. Song song với quy hoạch chung, cần tập trung rà soát quy hoạch phân khu. Sau khi quy hoạch chung được ban hành sẽ triển khai đồng bộ để đảm bảo tiến độ các dự án và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

Cứ một đồng vốn đầu tư công được giải ngân sẽ kích thích 1,61 đồng vốn đầu tư từ khu vực ngoài Nhà nước; mức tăng 1% trong giải ngân vốn đầu tư công tương ứng với mức tăng 0,058% GDP. Việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược và là nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Thời gian còn lại của năm nay không nhiều, vì vậy để giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng giao cần thực hiện đồng bộ "5 quyết tâm", "5 đảm bảo" theo chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ để năm 2024 phải là năm bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước