Chưa bao giờ Chính phủ lại dành nhiều nguồn lực cho phát triển hạ tầng trọng điểm như thời gian vừa qua. Ngoài nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, mới đây Quốc hội cũng đồng ý chủ trương dành khoảng 114 nghìn tỷ đồng trong gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng.
Hàng loạt các chính sách đã thông thoáng hơn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng thể hiện tính cấp bách và mong mỏi việc sớm có các công trình dự án góp phần tăng trưởng kinh tế cho đất nước.
Nỗ lực đảm bảo tiến độ
Cao điểm mùa khô, tất cả các gói thầu thi công thuộc dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam giai đoạn 1 đều tăng tốc. Cho đến thời điểm này, trong 10 dự án thành phần đang thi công, có 8 dự án cơ bản đáp ứng tiến độ.
"Doanh nghiệp huy động tối đa máy móc, chia làm 3 đoạn mỗi đoạn là 1 chỉ huy và tiếp tục chia thành các mũi thi công", ông Nguyễn Mạnh Tưởng - Công ty TNHH Xuân Trường cho hay.
Ông Nguyễn Lương Công - Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải nói: "Công ty đã tập trung tổng lực làm 3 ca, 4 kíp, trên công trường lúc nào cũng có tiếng máy nổ 24/24h".
Hàng loạt các chính sách đã thông thoáng hơn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.
Hiện nhiều ban quan lý dự án thuộc dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam giai đoạn 1 đã đặt ra mục tiêu cơ bản hoàn thành trước 3 tháng, tức là trong tháng 9 năm nay sẽ có nhiều đoạn được vào khai thác
Ông Lương Văn Long - Giám đốc quản lý Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 cho hay: "Không phải chúng ta vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng. Khi nhà thầu tăng ca tăng kíp, các bộ phận liên quan như tư vấn giám sát, Ban Quản lý dự án cũng phải tăng người, tăng thời gian bám công trường".
Ngay trong năm nay, sẽ có 4 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam giai đoạn 1 gồm: đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây được hoàn thành và đưa vào khai thác.
Tháo gỡ vướng mắc cho các dự án giao thông trọng điểm
Bộ Giao thông Vận tải cũng khẳng định năm nay Bộ sẽ hoàn thành 26 dự án giao thông trọng điểm. Đây là những dự án có tính kết nối liên vùng, không chỉ sớm hình thành môt hệ thống giao thông hiện đại, mà còn góp phần tăng thúc đẩy kinh tế cho nhiều địa phương, nhiều vùng.
Nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng, năm nay Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công cho Bộ Giao thông Vận tải với tổng ngân sách hơn 50.000 tỷ đồng. Đây là kế hoạch giao lớn nhất từ trước tới nay, chiếm gần 10% kế hoạch vốn 2022 của cả nước.
Tuy nhiên, để giải ngân kịp thời nguồn vốn quan trọng này vẫn cần những chính sách mang tính bứt phá để tháo gỡ vướng mắc từ khâu giải phóng mặt bằng cho đến vấn đề tăng giá, thiếu nguồn cung cấp vật liệu ở nhiều gói thầu thuộc dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam.
Bộ Giao thông Vận tải khẳng định năm nay Bộ sẽ hoàn thành 26 dự án giao thông trọng điểm. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.
Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết 60 và 133 nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp mỏ đất cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Tuy nhiên, ở cấp địa phương, những tồn tại vẫn chưa được giải quyết. Nguy cơ chậm tiến độ ở nhiều gói thầu thuộc dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam giai đoạn 1 ngày càng hiện hữu.
Không chỉ thiếu nguồn đất đắp nền đường, hiện nhiều đơn vị thi công cũng rơi vào tình khó khăn khi giá nguyên vật liệu tăng bất thường.
"Việc giá cả biến động hàng ngày hàng giờ nên có những đơn hàng, nhà cung cấp đã huỷ bỏ sau khi thương thảo", ông Hoàng Đình Thịnh - Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho hay.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định: Tất cả các dự án thuộc cả 2 giai đoạn của cao tốc đường bộ Bắc - Nam đều phải đáp ứng tiến độ để đảm bảo hệ thống giao thông hiện đại phục vụ cho phát triển kinh tế.
"Việc triển khai giai đoạn 2 để kết nối với giai đoạn 1 và một số đoạn chúng ta đã thực hiện xong, hình thành nên một tuyến cao tốc từ Bắc vào Nam. Nó thể hiện tính liên kết vùng, liên kết toàn bộ các tỉnh ven biển và miền núi phía Bắc, với các tỉnh ĐBSCL. Từ trục này hình thành nên một mạng lưới giao thông liên hoàn, để khai thác tiềm năng thế mạnh của đất nước", ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho hay.
Cùng với giai đoạn 1, giai đoạn 2 của dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam còn lại 729 km với tổng mức đầu tư khoảng 147 tỷ đồng cũng đang đươc gấp rút triển khai. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào giai đoạn 2025 - 2026.
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức tham vấn các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực giao thông để tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam. Theo các nhà phân tích đây một bước đi thể hiện quyết tâm rất lớn của ngành giao thông để hiện thực hoá chỉ đạo của Chính phủ về đầu tư xây hạ tầng giao thông cho phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!