Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước thanh toán vốn đầu tư công 8 tháng vừa qua đạt hơn 274.500 tỷ đồng, bằng 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong Công điện số 80 và 85 mới đây, liên quan đến điều hành dự toán ngân sách và đảm bảo tiến độ các công trình, dự án quan trọng quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương triển khai các giải pháp, phấn đấu giải ngân trên 95% số kế hoạch vốn năm 2024 được giao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Để tăng tốc giải ngân đầu tư công, khâu giải phóng mặt bằng, đặc biệt tại các vị trí đường găng sẽ tác động không nhỏ đến tiến độ thi công. Như tại dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô, nhờ tách riêng giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án xây lắp mà việc triển khai đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Quận Hà Đông - Hà Nội cần thu hồi hơn 68 ha đất cho dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Đến nay, hơn 97% mặt bằng sạch đã được bàn giao. Phần còn lại quận đặt mục tiêu sẽ hoàn thành trong năm nay.
Khâu giải phóng mặt bằng tác động không nhỏ đến tiến độ thi công
Bà Phạm Thị Phương Thảo - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Quận Hà Đông, TP. Hà Nội cho biết: "Uỷ ban Quận cũng chỉ đạo các phòng ban, đơn vị có liên quan cũng như UBND các phường tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để vận động người dân chấp hành pháp luật cũng như sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án".
Đường vành đai 4 có tổng chiều dài gần 113 km, đi qua ba địa phương gồm Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên. Đến nay, TP. Hà Nội đã giải phóng mặt bằng được gần 98%. Tiến độ được đẩy nhanh một phần nhờ áp dụng cơ chế thí điểm tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án xây lắp.
Việc tách riêng dự án giải phóng mặt bằng với dự án xây lắp được cho là điểm mấu chốt để thúc đẩy tiến độ cho các dự án giao thông trọng điểm. Bởi vì ngay sau khi được phê duyệt chủ trương, dự án giải phóng mặt bằng sẽ có thể được triển khai ngay để có thể bàn giao mặt bằng sạch cho công tác thi công.
Việc tách riêng sẽ cho phép khâu giải phóng mặt bằng và khâu chuẩn bị thi công được thực hiện song song cùng lúc. Nhờ đó, có thể đẩy nhanh tiến độ chung của dự án. Như với đường vành đai 4 đã có đến 70% mặt bằng sạch ngay khi bắt tay vào khởi công xây dựng.
Ông Đỗ Đình Phan - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội chia sẻ: "Mặt bằng mà phê duyệt thành dự án độc lập và đi trước và triển khai trước trong hoạt động đầu tư như việc dự án đấu thầu thì sẽ tạo mặt bằng sạch khi nhà thầu vào triển khai thi công thì sẽ sớm đưa vào khai thác sử dụng, mang lại hiệu quả cho công trình".
Ông Mai Thế Khang - Phó Chỉ huy trưởng Gói thầu số 10 đường Vành đai 4, Công ty 319 nêu ý kiến: "Giải phóng mặt bằng trước hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu triển khai thi công cho đơn vị thi công. Đến giờ này thì cũng đang đáp ứng được tiến độ thi công mà chủ đầu tư đã phê duyệt".
Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô dự kiến hoàn thành trong năm 2027. Việc thực hiện thí điểm tách riêng giải phóng mặt bằng cho Vành đai 4 đã cho thấy những hiệu quả bước đầu. Cơ chế này hiện đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định để tiếp tục áp dụng nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!