ĐBQH: "Cho kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê là khoác áo giáp kiên cố cho tín dụng đen”

Khánh Huyền-Thứ tư, ngày 27/05/2020 14:05 GMT+7

Trong ảnh: Quang cảnh phiên họp Quốc hội chiều 26/5. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

VTV.vn - Ông Bùi Ngân Phương, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh như vậy tại nghị trường Quốc hội.

Chiều 26/5, Quốc hội đã nghe báo cáo, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đầu tư (sửa đổi). Một lần nữa, vấn đề nên cấm hay không cấm dịch vụ đòi nợ thuê lại làm nóng nghị trường Quốc hội khi mà không ít đại biểu cho rằng nên cấm thì cũng có không ít đại biểu cho rằng không nên cấm. Tuy nhiên, phần đông ý kiến đại biểu vẫn bày tỏ với việc nên cấm kinh doanh dịch vụ này, vì hiện nay có 217 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, đóng góp cho ngân sách không bao nhiêu nhưng hậu quả để lại nhiều. 

Ông Nguyễn Mai Bộ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang nhấn mạnh: "Không có một doanh nghiệp nào mà người lao động chủ yếu là người xăm trổ. Ba trợn ba trạo, công cụ lao động để đạt mục đích là dao kiếm. Hoạt động đấy chúng ta để như thế thì sẽ dẫn tới sự an nguy cho xã hội".

ĐBQH: Cho kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê là khoác áo giáp kiên cố cho tín dụng đen” - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Mai Bộ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Ngoài ra, không ít đại biểu cũng bày tỏ lo lắng, nếu như cho phép hoạt động đòi nợ thuê thì khi xảy ra tranh chấp giữa công ty đòi nợ và người đi vay, ai sẽ là người đứng ra giải quyết? Ông Cao Đình Thưởng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đặt câu hỏi: "Nếu việc tranh chấp đó tiếp tục giao cho tòa án thì tại sao không giao cho tòa án giải quyết tranh chấp ngay từ đầu giữa chủ nợ và người vay đang thực hiện theo Luật Dân sự hiện hành?".

ĐBQH: Cho kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê là khoác áo giáp kiên cố cho tín dụng đen” - Ảnh 2.

Ông Cao Đình Thưởng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ

Ngoài ra, các đại biểu khác cũng cho rằng: Chỉ đòi nợ qua tòa án mới là đúng pháp luật, việc giao cho một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ chưa chắc chắn đảm bảo hiệu quả như mong muốn mà có khi chỉ làm cho tình hình phức tạp thêm, vì đòi nợ thuê chủ yếu đòi nợ theo kiểu luật rừng. Thay vì công nhận hoạt động đòi nợ thuê thì nên đổi mới hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, tăng cường cho vay tín chấp, rút ngắn thủ tục thẩm định đối với người dân gặp khó khăn. Mặt khác tăng nặng chế tài xử phạt đối với những đối tượng lợi dụng sự ưu việt của chính sách, để vay nợ tràn lan dẫn đến nợ xấu.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Chính phủ đã nghiên cứu kỹ, tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, thận trọng trước khi đề xuất ủng hộ phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, bởi hoạt động này có nhiều hệ quả xấu tới xã hội. Ví dụ như nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội.

ĐBQH: Cho kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê là khoác áo giáp kiên cố cho tín dụng đen” - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

"Chúng tôi cho rằng phương án Chính phủ đề ra đã có đầy đủ cơ sở và có rất nhiều ý kiến đại biểu nêu rất sâu sắc, chúng tôi tha thiết các đại biểu ủng hộ cho phương án 1, đó là cấm kinh doanh đòi nợ thuê" - ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Do vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc cấm hay không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp hành xin ý kiến các đại biểu thông qua phương án điện tử vào thời gian tới, trước khi có quyết định cuối cùng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước