Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào cao điểm mùa khô, tình trạng nắng nóng và xâm nhập mặn xảy ra nhiều nơi. Theo dự báo của các cơ quan chức năng, hạn mặn sẽ còn kéo dài sang tháng 5, đặc biệt là thiếu nguồn nước ngọt sinh hoạt. Để ứng phó, chính quyền các địa phương và người dân đã chủ động các giải pháp, đảm bảo đủ nước ngọt cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất.
3 tháng qua, gia đình ông Thật đối diện với tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt. Cả gia đình chỉ có 4 thùng, tương đương 120 lít để chứa nước, theo nguồn cấp nước của chính quyền địa phương và phải vận chuyển nhiều lần mới đủ dùng. Do đó, việc trang bị bồn chứa dung tích lớn giúp gia đình ông chủ động hơn trong việc dự trữ nguồn nước sạch.
"Nước sông trong thời gian qua không được ngọt cho nên chỉ có tưới cây được thôi chứ nấu ăn và tắm rửa không có được, phải có nước ngọt từ xã cấp. Nếu 500 lít thì thời gian tới nước sinh hoạt được chứa nhiều, sử dụng cũng dễ dàng hơn và không có khó khăn như lúc trước" - ông Mai Thành Thật tại xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, Bến Tre chia sẻ.
Các địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long cho biết, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ngày càng phức tạp dẫn đến người dân thiếu nguồn nước ngọt cũng như sản xuất. Do đó, việc chủ động người dân tích trữ nước ngọt là giải pháp để đảm bảo nguồn nước tại vùng hạn, mặn.
Tính riêng tại xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, chính quyền đã triển khai 3 máy lọc nước, cung cấp khoảng 30m3 mỗi ngày cho người dân.
Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre - cho biết: "Về góc độ địa phương, nếu gia đình nào khó khăn thì cử lực lượng dân quân, dân phòng đến lấy nước để đáp ứng cho bà con khó khăn, không có điều kiện đi lấy nước. Ở đây cũng sẽ đáp ứng, chở nước về cho bà con dự trữ trong đợt hạn mặn này".
Ngoài ra, để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng, các địa phương có kế hoạch điều tiết các cống đầu mối hợp lý đảm bảo tích trữ đủ nguồn nước bên trong nội đồng, khuyến khích các hộ nông dân chủ động việc đào ao, lót bạt dự trữ nước, đồng thời có biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!