ĐBSCL sẽ có 500.000 ha lúa chất lượng cao

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 21/09/2023 14:43 GMT+7

VTV.vn - Để đạt được mục tiêu ĐBSCL sẽ có 500.000 ha lúa chất lượng cao vào năm 2025 nhiều phương án hỗ trợ đã được đưa ra.

ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam với sản lượng lúa luôn ổn định ở mức 24 - 25 triệu tấn/năm, chiếm trên 50% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, giá trị lúa gạo vẫn chưa cao do đa số vẫn canh tác truyền thống.

Để gia tăng giá trị lúa gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL với mục tiêu gần nhất là sẽ có 500.000 ha lúa chất lượng cao vào năm 2025.

Để đạt được mục tiêu này, nhiều phương án hỗ trợ đã được đưa ra, cụ thể khi tham gia vào đề án, nông dân sẽ được hỗ trợ 30% chi phí mua giống lúa trong bốn vụ đầu liên tiếp. Được vay ngân hàng không thế chấp tối đa 20 triệu/vụ sản xuất, thời gian vay trong 6 tháng.

Khi canh tác lúa chất lượng cao, lợi nhuận bình quân của nông dân đạt trên 35% nhờ giảm chi phí sản xuất từ việc giảm lượng giống gieo sạ, phân bón và nước.

ĐBSCL sẽ có 500.000 ha lúa chất lượng cao - Ảnh 1.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL. Ảnh minh họa.

Hiệu quả mô hình lúa giảm phát thải

Với khoảng 7 triệu ha gieo trồng lúa hàng năm, hiện Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia gạo xuất khẩu nhiều nhất thế giới. Nếu xây dựng vùng chuyên canh 1 triệu ha sản lượng 13 triệu tấn lúa, về hiệu quả kinh tế sẽ giảm khoảng 20% chi phí sản xuất, giá bán lúa dự kiến tăng 10% so với canh tác truyền thống. Trên thực tế, từ nhiều năm nay đã có nhiều mô hình lúa chất lượng cao, lúa giảm phát thải đã được thực hiện và cũng có những kết quả đã được đong đếm cụ thể.

Hiện Hợp tác xã Thạnh Lộc (Cần Thơ) đang áp dụng mô hình: 1 phải sử dụng giống lúa được chứng nhận và 5 giảm - lượng hạt giống, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, nước và thất thoát sau thu hoạch.

Anh Đoàn Tuấn Về - Giám đốc HTX Thạnh Lộc, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ cho biết: "Giảm được chi phí công lao động, sản xuất lúa nhiều lắm cũng như giảm được lượng giống gieo sạ, giảm được phân, thuốc…".

Theo thống kê từ Ngân hàng Thế giới, hiệu quả từ kỹ thuật "1 phải 5 giảm" đã giúp nông dân giảm sử dụng vật tư đầu vào 20 - 30%, tăng năng suất lúa 3 - 4%, tăng giá bán 5 - 10% và thúc đẩy lợi nhuận trung bình tăng khoảng 28%.

ĐBSCL sẽ có 500.000 ha lúa chất lượng cao - Ảnh 2.

Với khoảng 7 triệu ha gieo trồng lúa hàng năm, hiện Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia gạo xuất khẩu nhiều nhất thế giới. Ảnh minh họa.

Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Chúng tôi yêu cầu địa phương tăng cường hướng dẫn cho người dân là sử dụng phân bón một cách tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất và phải cân đối giữa phân vô cơ và hữu cơ thì cái này chúng ta đang làm. Kèm theo đó là các mô hình rất có hiệu quả và đã được chứng thực ngoài thực tế, được niêm yết công khai".

Việc áp dụng kỹ thuật "1 phải 5 giảm" trong canh tác lúa còn giúp giảm phát thải khí nhà kính ở mức khoảng 8 tấn CO2e/ha/năm. Nếu nhân rộng toàn vùng ĐBSCL tương đương giảm khoảng 10 triệu tấn CO2e/năm. Một con số khá lớn, đóng góp quan trọng vào việc bán tín chỉ carbon.

Giải pháp nhân rộng mô hình canh tác lúa chất lượng cao

Việt Nam là nước đầu tiên triển khai trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính trên thế giới với mục tiêu ban đầu là 1 triệu ha. Không chỉ bán lúa, bà con còn có thể bán được tín chỉ khí thải carbon, từ đó gia tăng hiệu quả trên cùng đơn vị sản xuất.

Hiệu quả của những mô hình lúa giảm phát thải đã được chứng minh trong thực tế từ nhiều năm nay, nhưng để nhân rộng những mô hình này thành vùng chuyên canh 1 triệu ha ở ĐBSCL sẽ cần nhiều giải pháp đồng bộ.

ĐBSCL sẽ có 500.000 ha lúa chất lượng cao - Ảnh 3.

Khi đạt được chứng chỉ carbon thì thương hiệu gạo của Việt Nam sẽ tăng lên, giá bán sẽ cao. Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia thuộc viện nghiên cứu lúa gạo, để phát triển vùng chuyên canh 1 triệu ha lúa chất lượng cao cần phải lấy nông dân làm trung tâm. Đây là sự chuyển biến sang giai đoạn mới, thực hiện quy trình giảm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận và tính chuyên nghiệp của nông dân.

TS. Ole Sander - Chuyên gia cấp cao, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cho biết: "Quan trọng nhất là quá trình xây dựng năng lực cho người nông dân, với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và doanh nghiệp, xuất phát ngay từ việc tăng cường nhận thức và hiện thực hoá các mô hình thí điểm. Song song với đó là tạo điều kiện phát triển những ứng dụng công nghệ, tích hợp với điện thoại thông minh, để giúp người nông dân có thể đưa ra những quyết định canh tác hiệu quả và thân hiện môi trường. Cuối cùng là hoàn thiện các chính sách liên quan tới giao dịch tín chỉ carbon".

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2024 có thể chi trả được tín chỉ carbon cho các diện tích lúa đảm bảo sản xuất 1 phải 5 giảm hoặc 3 giảm 3 tăng và rút nước giữa vụ, giảm phát thải khí nhà kính. Khi đạt được chứng chỉ carbon thì thương hiệu gạo của Việt Nam sẽ tăng lên, giá bán sẽ cao, nâng được tầm thương hiệu và giá trị gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Giá lúa, gạo tiếp tục tăng mạnh Giá lúa, gạo tiếp tục tăng mạnh

VTV.vn - Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tiếp tục có diễn biến tăng mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước