Từ năm 1999, giờ làm khu vực nhà nước là 40 tiếng mỗi tuần, 8 tiếng mỗi ngày. Còn giờ làm việc ở khối doanh nghiệp tư nhân hiện đang là 48 giờ mỗi tuần. Mới đây, đã có đề xuất Chính phủ nghiên cứu xây dựng lộ trình giảm giờ làm việc trong tuần của lao động khu vực tư nhân từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần và 40 giờ/tuần.
Năng suất lao động của Việt Nam nằm trong nhóm thấp so với các nước trong khu vực, trong khi số giờ làm việc thì thuộc nhóm cao. Liệu đề xuất này có phù hợp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam cần phải giữ được tính cạnh tranh để thu hút đầu tư vừa phải bảo đảm người lao động có thêm thời gian để chăm sóc gia đình, con cái cũng như nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Tại Diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ở Hà Nội vào sáng Chủ nhật (26/5) vừa qua. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiếp tục kiến nghị Chính phủ xây dựng lộ trình giảm thời gian làm việc của doanh nghiệp từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần và tiến tới 40 giờ/tuần. Đây không phải là lần đầu tiên Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam kiến nghị vấn đề này, mà đây là lần thứ 2 trong vòng nửa năm qua, còn xa hơn là từ năm 2019 khi Quốc hội sửa đổi Bộ Luật Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và một số đại biểu Quốc hội đã đề xuất vấn đề này.
Theo Bộ Luật lao động được Quốc hội thông qua năm 2019, có hiệu lực từ năm 2021, giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 8 giờ mỗi ngày và 48 giờ mỗi tuần. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động. Giờ làm thêm khống chế 40 giờ mỗi tháng, không quá 200 giờ mỗi năm. Một số ngành nghề có thể làm thêm tối đa 300 giờ mỗi năm.
Dù Bộ luật Lao động quy định Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc 40 giờ mỗi tuần, thế nhưng trên thực tế tăng giờ làm thêm là mong muốn của một bộ phận người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, Nhà nước phải giới hạn số giờ làm thêm ở một số ngành không quá 300 giờ mỗi năm, so với đề xuất trước đây là 400 giờ mỗi năm. Thực tế cho thấy, mức lương thấp nên một bộ phận người lao động và doanh nghiệp mới muốn duy trì thời giờ làm việc 48 giờ mỗi tuần và tăng giờ làm thêm. Tuy nhiên, đại bộ phận người lao động và doanh nghiệp muốn giảm giờ làm vì đó mới là phương thức phát triển bền vững.
Đề xuất giảm giờ làm được phần lớn người lao động hưởng lương theo thời gian ủng hộ. Nhưng đối với những lao động ăn lương theo sản phẩm thì họ mong muốn được tăng lương hơn là giảm giờ làm.
Nhiều ý kiến cho rằng giảm giờ làm xuống còn 44 giờ/tuần chưa hợp lý ở thời điểm này. Ảnh: Báo Lao động
"Chúng tôi làm ăn theo sản phẩm, nếu làm 5 ngày/tuần thì không đảm bảo cuộc sống của công nhân chúng tôi", chị Chu Thị Thu - Công nhân may chia sẻ.
"Muốn tăng giờ thêm để có thêm thu nhập, ổn định cho cuộc sống", chị Nguyễn Thị Thanh Tình - Công nhân may mong muốn.
Hiện lao động tại công ty may đang làm việc 48 giờ/tuần và tuần làm 6 ngày theo quy định của Bộ luật Lao động. Nếu giảm giờ làm xuống còn 44 giờ/tuần thì đồng nghĩa thu nhập của người lao động sẽ bị ảnh hưởng nhiều, khó đảm bảo cuộc sống.
Ông Phí Quang Đức - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May và Dịch vụ Hưng Long chia sẻ: "Nếu bây giờ lại giảm giờ làm việc xuống 1 tuần chỉ làm 5 ngày thì các doanh nghiệp tôi nghĩ sẽ cực kỳ khó khăn".
Phía cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh năng suất lao động còn thấp cần duy trì giờ làm việc chính thức như hiện tại và việc nghỉ ngày thứ bảy lúc này chưa hợp lý. Nếu giảm giờ làm sẽ khiến chi phí lao động tăng cao và ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của cả nền kinh tế.
"Tuần làm việc 40 giờ thì không đủ để khấu hao, không đủ tiền để chi trả cho người lao động", ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam thông tin.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: "Nước ta cũng chưa thể áp dụng được cái hình thức lao động dưới 48 giờ/tuần, người lao động cũng mong muốn có được sự làm thêm phù hợp. Bây giờ chúng ta lại giảm giờ làm việc chính thống thì e rằng nó không phù hợp trong điều kiện hiện tại và tôi nghĩ rằng cũng chưa đáp ứng được sự mong muốn, sự đồng ý của số đông người lao động cũng như người sử dụng lao động trong bối cảnh hiện tại".
Việc có giảm giờ làm hay không là chủ đề rất được người lao động quan tâm. Thế nhưng nếu nước ta giảm giờ làm trong khu vực doanh nghiệp khi năng suất còn thấp sẽ có thể ảnh hưởng tới phát triển của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Bởi thực tế cho thấy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn khá thấp, thiếu ổn định, trong khi năng suất chưa được cải thiện nhiều. Nên lo lắng của doanh nghiệp về giá nhân công tăng và khả năng suy giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam nếu giảm giờ làm xuống dưới 48 giờ mỗi tuần là có cơ sở. Tuy nhiên, như trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư đã khẳng định: "Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!