Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) đã trình văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, đề xuất bãi bỏ Quyết định số 28 được ban hành năm 2004 về cách tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô.
Theo đại diện các Bộ ngành, quyết định trên không nên bị bãi bỏ hoàn toàn, bởi còn tồn tại một quy định sẽ mang đến nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước.
Lấy ví dụ về cách tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô tại Việt Nam: hai bộ ghế ngồi được lắp ráp bởi 2 doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước; một bộ đạt chất lượng tiêu chuẩn, đủ để xuất xưởng; một bộ có trang bị cảm biến hiện đại, tự động nhớ vị trí ngồi của người sử dụng, có hệ thống sưởi/làm mát, bọc da cao cấp. Có thể thấy, bộ ghế thứ 2 có giá thành cao hơn so với bộ ghế thứ nhất. Tuy nhiên, do cùng là ghế ngồi nên cả 2 bộ đều chỉ được tính tỷ lệ % về nội địa hóa giống nhau.
Trong Quyết định 28 còn tồn tại một quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu cần được giữ lại. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
"Trong ô tô có 1.000 chi tiết như vậy, tôi làm 5 chi tiết, nhưng tổng giá trị 5 chi tiết ấy lại lớn hơn bao nhiêu chi tiết cộng lại thì tôi phải được tính thuế khác . Quy định cách tính thuế cũng như biểu thuế của Việt Nam chưa thay đổi kịp, thì doanh nghiệp người ta kiến nghị thôi", ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), cho biết.
Trao đổi với phóng viên VTV, đại diện Bộ Công Thương xác nhận cách tính tỷ lệ nội địa hóa theo Quyết định số 28 hiện nay là chưa phù hợp và cần được bãi bỏ. Tuy nhiên, trong Quyết định 28 còn tồn tại một quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu cần được giữ lại, bởi nó đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước.
"Việc duy trì mức độ rời rạc sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam đầu tư thêm chiều sâu vào quá trình sản xuất và do đó sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, quy định này cũng là cơ sở giúp các doanh nghiệp tham gia chương trình ưu đãi thuế với linh kiện ô tô nhập khẩu", ông Lương Đức Toàn, Cục Công Nghiệp, Bộ Công Thương, nhận định.
Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các Bộ ngành liên quan để xúc tiến việc bãi bỏ cách tính tỷ lệ nội địa hóa cũ, đồng thời nghiên cứu bổ sung, sửa đổi quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu. Bởi trong tương lai, Việt Nam sẽ nhập khẩu và sản xuất các dòng xe mới có nhiều tính năng hơn, nhiều linh kiện hơn, qua đó cũng yêu cầu những quy định mới về mức độ rời rạc để sao cho phù hợp nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!