Theo đề xuất chính sách sửa đổi Luật Nhà ở do Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ và trình Quốc xem xét, có nội dung về thời hạn sở hữu nhà chung cư theo 2 phương án: một là theo thời hạn sử dụng công trình (từ 50 - 70 năm) và hai là theo thời hạn sử dụng đất.
Anh Công (Hà Nội) và gia đình đang muốn tìm mua một căn hộ chung cư mới. Chính vì vậy, anh rất quan tâm đến đề xuất mới đây của Bộ Xây dựng, vì rất có thể, anh sẽ chỉ được sở hữu căn nhà chung cư mới trong một thời hạn nhất định như 50 - 70 năm, thay vì "lâu dài" như hiện nay.
"Căn hộ là tài sản lâu dài, tương lai chúng tôi còn muốn để lại cho con cháu sau này. Khi đọc được thông báo này, chúng tôi rất hoang mang. Phải đợi quyết định chính thức từ nhà nước, chúng tôi mới quyết định có mua tiếp hay không", anh Phan Huy Công, Hà Nội, chia sẻ.
Tâm lý người dân khi mua nhà, dù là nhà liền thổ hay chung cư, đều mong muốn được sở hữu lâu dài. (Ảnh: PLO)
Hiện nay trên thị trường, các căn hộ sở hữu có thời hạn thường được rao bán rẻ hơn so với căn hộ sở hữu vĩnh viễn khoảng từ khoảng 15 - 30%. Nguyên nhân là do chủ đầu tư chỉ phải nộp tiền thuê đất 50 năm, trong khi đó đối với những dự án có thời hạn lâu dài, chủ đầu tư phải nộp nhiều tiền sử dụng đất hơn. Ví dụ như tại một dự án, căn hộ sở hữu lâu dài được rao bán giá từ 3 - 6 tỷ đồng, trong khi căn hộ có thời hạn 50 năm được rao bán từ 2,2 tỷ đồng một căn 51 m2.
Chung cư có thời hạn khoảng 50 năm đã xuất hiện lác đác trên thị trường, thường là các căn hộ diện tích nhỏ và phổ biến được dùng để cho thuê.
Bên cạnh yếu tố giá cả, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải quy định rõ sau 50 - 70 năm, đất được xem là sử dụng lâu dài này sẽ được xử lý ra sao, người dân có quyền sử dụng hay không.
"Khi cấp sổ hồng, người ta cấp mục đích sử dụng đất lâu dài, nhưng nếu chung cư chỉ có thời hạn 50 -70 năm, thì như vậy thời hạn sở hữu tài sản của người dân không phù hợp với thời hạn sử dụng đất của người dân. Như vậy nó có sự vênh về mặt pháp luật", Luật sư Nguyễn Đức Năng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, đánh giá.
"Chính phủ đã có Nghị định 69 về cải tạo chung cư, trong đó xác định khi hết thời hạn, niên hạn sử dụng hoặc khi nhà chung cư nguy hiểm, cần phải kiểm định chất lượng, đánh giá để phá dỡ, xây dựng lại, thì đều căn cứ vào niên hạn sử dụng của công trình. Vì khi hết niên hạn sử dụng, nhà chung cư đó phải phá để bảo đảm an toàn", ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng, tâm lý của người Việt từ trước đến nay vẫn muốn sở hữu đất lâu dài, dù là đất nền hay chung cư. Vì vậy, đề xuất mới của Bộ Xây dựng hiện đang tiếp tục nhận được nhiều ý kiến quan tâm từ người dân và doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!