Đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn: Cần phải đánh giá thận trọng, toàn diện

VTV Digital-Thứ tư, ngày 22/03/2023 15:12 GMT+7

VTV.vn - Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn là vấn đề rất hệ trọng và nhạy cảm, cần phải được đánh giá thận trọng toàn diện hơn nữa.

Bộ Xây dựng vừa qua đã triển khai lấy ý kiến góp ý sửa đổi Luật Nhà ở. Trong đó, có một nội dung được người dân hết sức quan tâm đó là quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn, được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế do cơ quan có thẩm quyền thẩm định, kết luận. Chủ sở hữu nhà chung cư sẽ phải chấm dứt quyền sở hữu khi nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ và được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất có nhà chung cư, nhưng phải nộp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư mới. Rất nhiều ý kiến đóng góp cho đề xuất này đã được đưa ra.

Thích môi trường sống tại chung cư vì tiện ích đầy đủ, mọi sinh hoạt trên một mặt bằng chung, chị Thùy Linh (Hà Nội) đang nỗ lực để có thể chuyển sang một căn hộ có diện tích lớn hơn, phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình. Tuy nhiên, kế hoạch này của chị có thể sẽ thay đổi trước đề xuất áp niên hạn với chung cư.

"Đa số người mua nhà đều coi đấy là tài sản của mình. Bây giờ 50 năm sẽ không được ở trong chính ngôi nhà của mình đã bỏ tiền bỏ công sức mua rất nhiều người không đồng ý với ý kiến đấy đâu. Kể cả dù nó có rẻ, rẻ với đất Hà Nội cũng không thể nào rẻ quá được. Với việc bỏ số tiền lớn ra để thuê dài hạn, thà tôi chấp nhận mỗi tháng tôi bỏ 10 triệu đồng đi thuê còn hơn là tôi gộp cả đống tiền để đi thuê dài hạn", chị Thùy Linh chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đồng tình với việc sở hữu chung cư có thời hạn, miễn là mức giá bán phải rẻ hơn hiện nay.

"Tùy từng căn hộ nhưng với mức khoảng trên dưới 10 triệu đồng chẳng hạn. Chúng tôi nếu được mua với giá như cho thuê vậy thì chấp nhận rất dễ dàng", ông Lê Hữu Phường (Hà Nội) chia sẻ.

Đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn: Cần phải đánh giá thận trọng, toàn diện - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Cuối tuần vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng đây là vấn đề rất hệ trọng và nhạy cảm được nhân dân, cử tri đặc biệt quan tâm và hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy, cần phải được đánh giá thận trọng toàn diện hơn nữa.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cơ bản đề nghị không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư khi hết hạn sử dụng hoặc chưa hết hạn nhưng thuộc trường hợp phải phá dỡ. Tuy nhiên cần có quy định cụ thể về việc Nhà nước có quyền quyết định và có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc di dời, phá dỡ, cải tạo nhà chung cư không còn an toàn cho người sử dụng.

Nhiều doanh nghiệp đồng tình với quan điểm này và đề xuất các giải pháp cụ thể khi đến lúc chung cư cần được xây dựng lại.

Ông Phạm Đức Toản - TGĐ Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ cho biết: "Khi hết niên hạn người dân được tiếp tục sử dụng nếu công trình còn chất lượng sử dụng và phải nộp thêm một khoản thuế đất như thế nào. Thứ hai, nếu trong trường hợp phá dỡ, họ được tái định cư hoặc được đề bù một căn hộ, hoặc được mua thuê mua một căn hộ cùng chất lượng công trình tương đương. Cái này tôi thấy cần bàn tay can thiệp của Nhà nước".

Thực tế cho thấy, tại các thành phố lớn, nhiều dự án chung cư, nhà tập thể cũ đã xuống cấp, cần được xây mới nhưng công việc này hiện không hề dễ dàng. Bởi vậy, bên cạnh việc cân nhắc về thời hạn sở hữu chung cư, nhiều ý kiến đồng tình rằng, cần có quy định thật rõ ràng, cụ thể trách nhiệm, quyền lợi của các bên liên quan, trong việc cải tạo, xây mới các chung cư đã xuống cấp, ở cả thời điểm hiện tại và tương lai.

Đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn: Cần phải đánh giá thận trọng, toàn diện - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng, Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng.

Trước ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những băn khoăn của người dân về đề xuất chung cư có thời hạn, đại diện Bộ Xây dựng đã có phản hồi với phóng viên của VTV.

"Các Ủy viên Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng cần phải đánh giá kỹ, xem xét thật kỹ lưỡng, lắng nghe nhau để xem mấu chốt của vấn đề là không cải tạo được các nhà chung cư cũ có phải là do các quy định về sở hữu hay không, hay do các quy định khác. Và quy định sở hữu nó cũng đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật dân sự khi cho rằng quyền dân sự của người dân bị hạn chế, cho nên Thường vụ đề nghị là phải tiếp tục nghiên cứu và có thể quy định theo hướng quy định các trường hợp phá dỡ sử dụng, không đặt vấn đề quy định thời hạn sở hữu trong dự thảo luật.

Vì vậy, Bộ Xây dựng sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Quốc hội, Bộ cũng đang nghiên cứu kỹ đặt ra nhiều vấn đề. Cũng có quan điểm không đặt vấn đề quy định sở hữu trong dự thảo, mà quy định các tình huống phá dỡ các yêu cầu đặt ra, trách nhiệm của các cơ quan để người dân an tâm mình không bị mất quyền sở hữu. Nhưng theo quy định Bộ Xây dựng cũng phải báo cáo lại Chính phủ để Chính phủ quyết định", ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng thông tin.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước