Băn khoăn đề xuất chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 19/03/2023 15:08 GMT+7

VTV.vn - Trước đề xuất chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi phá dỡ trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nhiều người đã rất lo lắng.

Chủ sở hữu mất quyền khi nhà chung cư hết… niên hạn sử dụng?

Hiện cả nước hiện có khoảng 4.420 nhà chung cư, trong đó có gần 2.500 chung cư cũ, gần 2.000 chung cư thương mại, tái định cư. Vì vậy, trước đề xuất chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi phá dỡ trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nhiều người đã rất lo lắng.

Câu chuyện được cho là bắt nguồn từ việc Luật Nhà ở 2014 có quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư, khi hết thời hạn sử dụng nếu không còn an toàn phải phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại. Nhưng thời gian qua, việc phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư tại nhiều địa phương rất chậm, gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi các hộ dân không chịu dời đi dù nhà đã xuống cấp, mất an toàn, vì vậy mới có đề xuất trên.

Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng việc trình phương án sở hữu nhà chung cư như dự thảo là vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân khi công trình mất an toàn, không đảm bảo điều kiện sử dụng. Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh dự thảo quy định quyền sở hữu chỉ chấm dứt khi chung cư bị phá dỡ chứ không phải hết hạn sử dụng là chấm dứt.

Băn khoăn đề xuất chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Đào Ngọc Nghiêm thì bày tỏ quan điểm trên báo Giáo dục và Thời đại rằng, ông thống nhất về thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng của công trình, song dự thảo luật cần quy định quyền của chủ sử dụng khi hết thời hạn và xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước, của cơ quan quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, khi cho ý kiến về đề xuất này, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban Trug ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, GS.TS Trần Ngọc Đường nhấn mạnh không thể đổ tại người dân không di dời khiến chậm tái thiết nhà chung cư, để từ đó chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư hợp pháp.

Trên tờ Thanh niên, ông Đường nhìn nhận: Việc chậm cải tạo chung cư cũ là do chính sách tái thiết chưa hợp lý, không hẳn là người dân không muốn di dời. Không thể đánh đồng chung cư cũ xuống cấp với chung cư mới được xây dựng, xác lập quyền sở hữu nhà chung cư từ việc mua, bán hợp pháp theo giá thị trường, được Nhà nước, pháp luật công nhận.

Băn khoăn đề xuất chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư - Ảnh 2.

Hiện cả nước hiện có khoảng 4.420 nhà chung cư, trong đó có gần 2.500 chung cư cũ, gần 2.000 chung cư thương mại, tái định cư.

Phát biểu tại nhiều diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu phân tích việc chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi nhà chung cư chưa hết thời hạn sử dụng nhưng thuộc trường hợp phải phá dỡ không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013 và dự thảo luật Đất đai (sửa đổi); không thể đồng nhất thời hạn sử dụng nhà chung cư với quyền sở hữu nhà chung cư vì đây là 2 phạm trù khác nhau.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc sở hữu, chấm dứt sở hữu đối với nhà chung cư khi phá dỡ là vấn đề rất lớn, tác động lập tức tới nhiều triệu người dân đang sống tại chung cư, hoặc đang có ý định mua chung cư; đồng thời khiến thị trường bất động sản, nhà ở thêm biến động trước mắt cũng như lâu dài. Vì vậy, rất cần cân nhắc kĩ lưỡng, thấu đáo, thực tế. Quyền sở hữu nhà chung cư nên được xác lập theo quy định tại Luật Nhà ở hiện hành.

Với tiêu đề "An cư Lạc nghiệp", báo Đại đoàn kết Bình luận: Nhiều năm qua, sở hữu một căn hộ chung cư là mơ ước của biết bao người. Nhiều người đã phải vay mượn từ nhiều nguồn để có tiền mua chung cư, rồi "thắt lưng buộc bụng" trả nợ.

Đối với người lao động, công nhân thu nhập thấp, một căn hộ chung cư bình dân là mơ ước cả một đời người. "An cư lạc nghiệp", từ xưa cổ nhân đã nhắn lại cho các thế hệ con cháu, với ý nghĩa phải có nhà ở để từ đó chăm chút làm ăn xây dựng sự nghiệp. Vậy nếu như bỏ số tiền rất lớn ra mua nhà chung cư nhưng lại không có quyền sở hữu khi nhà bị phá dỡ thì có "an cư" được không, "lạc nghiệp" được không?

Không nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư

Cuối tuần, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung trên, nhiều ý kiến cho rằng đây là vấn đề rất hệ trọng và nhạy cảm được nhân dân, cử tri đặc biệt quan tâm và hiện còn nhiều ý kiến khác nhau.

Báo Đại biểu Nhân dân đưa tin, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đánh giá cao nỗ lực cố gắng của Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm tra đã chuẩn bị tốt hồ sơ dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); Nhấn mạnh đây là một luật khó, phức tạp, nhạy cảm được nhiều đối tượng quan tâm và đủ điều kiện trình Quốc hội. Lưu ý các nội dung lớn trong dự án Luật cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Nghị quyết 18 của Trung ương về đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

Băn khoăn đề xuất chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư - Ảnh 3.

Về đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, từ nhiều phân tích kể cả về quản lý nhà nước và quyền lợi người dân thì quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn tác động đến tâm tư tình cảm của nhân dân, tác động đến thị trường bất động sản nói chung. Vì vậy, cần phải được đánh giá thận trọng toàn diện hơn nữa; đồng thời cần tập trung quy định chặt chẽ, cụ thể hơn nữa về thời hạn sử dụng nhà chung cư và về việc tiêu huỷ, phá dỡ, cải tạo nhà chung cư.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cơ bản đề nghị không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư khi hết hạn sử dụng hoặc chưa hết hạn nhưng thuộc trường hợp phải phá dỡ, tuy nhiên cần có quy định cụ thể về việc Nhà nước có quyền quyết định và có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc di dời, phá dỡ, cải tạo nhà chung cư không còn an toàn cho người sử dụng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo pháp luật quy định Chính phủ có quyền trình Quốc hội phương án của Chính phủ. Nếu Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ trình phương án như đã thảo luận và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trường hợp, Chính phủ có phương án riêng đề nghị Chính phủ trình 2 phương án và làm rõ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án để làm cơ sở cho đại biểu Quốc hội thảo luận dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể để lựa chọn được phương án tốt nhất, khả thi nhất, đáp ứng được nguyện vọng, quyền và nghĩa vụ của người dân, của Nhà nước và phục vụ sự ổn định trật tự xã hội và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước