Đề xuất tăng giờ làm thêm cho mọi ngành nghề

Thúy Hằng-Thứ năm, ngày 13/01/2022 05:11 GMT+7

VTV.vn - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tăng giờ làm thêm trong tháng từ 40 giờ lên 72 giờ, nhưng không quá 300 giờ/năm, không giới hạn nhóm, ngành nghề, công việc.

Đợt dịch thứ 4 kéo dài và diễn biến phức tạp đã khiến nhiều doanh nghiệp không còn sức chống đỡ và phải rời khỏi thị trường, hàng vạn lao động phải về quê do mất việc.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất tăng giờ làm thêm trong tháng từ 40 giờ lên 72 giờ và tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ trong một năm, không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc... để bù cho lực lượng lao động thiếu hụt, tăng thu nhập cho công nhân.

Ngành dệt may hay da giày với đặc thù thời vụ, những tháng cuối năm là tháng cao điểm, nếu quy định không quá 40 giờ lao động một tháng sẽ khó có thể hoàn thành các đơn hàng cận Tết. Doanh nghiệp phải tăng năng suất, tuyển thêm lao động cộng, đồng thời tăng giờ làm thêm mới đáp ứng đủ.

Đề xuất tăng giờ làm thêm cho mọi ngành nghề - Ảnh 1.

Công nhân dệt may tại một nhà máy ở Hưng Yên. ( Ảnh: TTXVN)

"Theo tôi nên bỏ khung không quá 40 giờ một tuần. Với ngành dệt may, nếu có thể thì cũng nên bỏ không quá 300 giờ một năm, nên để 400 giờ một năm. Vì trong luật đã quy định rất rõ, nếu làm thêm giờ, chúng tôi phải trả lương gấp rưỡi cho giờ làm bình thường, làm ngày lễ trả thậm chí gấp 2 - 3 lần và chi phí của doanh nghiệp trả cho làm thêm rất là cao", ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần May 10, cho hay.

"Tăng thời gian làm việc để bù đắp cho những đơn hàng đã mất trong thời gian giãn cách là rất thiết thực. Ngành da dày là ngành sử dụng nhiều lao động và hoạt động theo thời vụ. Đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ và mong muốn Quốc hội sẽ thông qua trong thời gian sớm nhất", bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, nhấn mạnh.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngoài việc ủng hộ với đề xuất này, họ vẫn lưu ý rằng cần phải đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động.

"Chúng ta phải có biện pháp để đảm bảo sức khỏe và an toàn của người lao động để họ có sức lao động lâu dài, bền chặt với doanh nghiệp", ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhận định.

Cũng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các quy định về giới hạn làm thêm trong tháng, trong năm tại Bộ luật Lao động cần có sự điều chỉnh trong giai đoạn hiện nay dưới tác động của đại dịch COVID-19.

Từ 1/2/2022, lao động thời vụ không được làm thêm quá 12 giờ/ngày Từ 1/2/2022, lao động thời vụ không được làm thêm quá 12 giờ/ngày

VTV.vn - Kể từ ngày 1/2/2022, tổng số giờ làm thêm của mỗi người lao động sẽ không quá 300 giờ/năm.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước