Đề xuất tăng hệ số K tại TP.HCM: Người dân và các chuyên gia nói gì?

Trung tâm Tin Tức VTV24-Thứ năm, ngày 22/11/2018 06:42 GMT+7

VTV.vn - Sở Tài chính TP.HCM vừa tiến hành lấy ý kiến các sở, ngành việc tăng về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) năm 2019 trên địa bàn.

Theo đó, hệ số K tại TP.HCM được đề xuất với mức tăng cao nhất từ trước đến nay, từ 19 - 30% tùy từng khu vực. Mức tăng này khá cao so với mức hiện hành, chỉ từ 5 - 8,33%. Hệ số K mới nếu được thông qua sẽ làm tăng số thu thuế thu nhập cá nhân, tăng lệ phí trước bạ khi giao dịch nhà đất.

TP.HCM dự thảo tăng hệ số K lên cao nhất từ trước đến nay

Các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức mua bán nhà đất, khi làm thủ tục hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà, hoặc quyền sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Như vậy, Nhà nước sẽ có 2 khoản thu: Lệ phí trước bạ (0,5%) và thuế thu nhập cá nhân (2,0%) trên giá trị chuyển nhượng trong hợp đồng.

Theo đó, giá trị chuyển nhượng nếu cao hơn khung giá đất quy định hiện hành thì giữ nguyên. Tuy nhiên, nếu giá trị chuyển nhượng thấp hơn sẽ bằng giá đất theo khung quy định nhân với hệ số điều chỉnh giá đất K. Do vậy, hệ số K càng cao, người dân, hộ gia đình, tổ chức sẽ nộp thuế phí càng cao.

Thực tế, theo khảo sát của Cục thuế TP.HCM, để được đóng mức thuế phí thấp nhất có thể, nhiều trường hợp đã kê khai giá chuyển nhượng nhà đất trong hợp đồng khá thấp, thậm chí thấp hơn mức giá quy định hiện hành của thành phố. Trong khi đó, giá trị mua bán nhà đất bình quân trên thị trường hiện phải cao gấp 4 - 6 lần so với giá đất theo quy định. Nếu hệ số K tăng lên, người chuyển nhượng nhà đất sẽ phải nộp thuế phí nhiều hơn.

Phản ứng của người dân và doanh nghiệp về dự thảo tăng hệ số K

Theo lý giải của Cục Thuế TP.HCM (thuộc Sở Tài chính TP.HCM), trong thời gian qua, xảy ra hiện tượng nhiều trường hợp khi làm thủ tục chuyển nhượng nhà đất thì để một mức giá kê khai rất thấp, thấp hơn nhiều so với giá trị chuyển nhượng thực tế. Do vậy thành phố muốn tăng hệ số sử dụng đất, nghĩa là đưa giá kê khai trong hợp đồng sát hơn với giá thị trường để giảm thất thu cho ngân sách thành phố từ hoạt động chuyển nhượng đất đai trên địa bàn.

Tại Văn phòng đăng ký đất đai TPHCM, khảo sát của phóng viên VTV với nhiều người dân đang làm thủ tục chuyển nhượng nhà đất ở đây cho thấy 100% ý kiến đều cho rằng mức tăng hệ số K từ 15 - 30% là quá cao so với mức hiện hành. Ngoài ra, nếu thành phố điều chỉnh hệ số K tăng họ sẽ tăng mức giá bán nhà đất để bù lại chi phí làm thủ tục chuyển nhượng tăng lên.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết, việc điều chỉnh tăng hế số K sẽ ảnh hưởng về mặt tâm lý trước tiên cho người dân. Từ đó, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển nhượng đất đai khi đền bù giải tỏa đất làm dự án.

Theo chuyên gia, việc tăng hệ số K suy cho cùng, khách hàng - người mua cuối cùng sẽ chịu khi giá bất động sản sẽ tăng theo.

Đồng tình với việc tăng hệ số K, tuy nhiên Huỳnh Phước Nghĩa - Phó Trưởng Khoa KD&TT Quốc tế, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM Nghĩa - cũng cho rằng thành phố nên chọn mức tăng phù hợp hơn, tránh gây áp lực tài chính quá lớn lên người dân - vốn là người sử dụng bất động sản sau cùng và phải gánh các chi phí đội lên.

Theo dự thảo, Sở Tài Chính TP.HCM đã chia thành phố thành 5 khu vực để áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất và từng khu vực sẽ được áp một hệ số K tương tự giảm dần. Nhiều chuyên gia tỏ ra đồng tình với việc điều chỉnh hệ số K nhằm tăng thu cho ngân sách Nhà nước trong hoạt động chuyển nhượng đất đai, tuy nhiên việc tăng như thế nào và áp dụng hệ số K theo cách nào mới là điều cần bàn. Đây cũng là điều mà lãnh đạo thành phố đang thận trọng xem xét để đưa ra quyết định cuối cùng về điều chỉnh hệ số K.

Tiếp thu ý kiến của chuyên gia, nhà đầu tư về điều chỉnh hệ số K

TS.Võ Trí Hảo - Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM - đồng tình với việc tăng hệ số K bởi theo ông việc đóng thuế phí chuyển nhượng theo sát giá thị trường là điều tất yếu theo xu hướng trên thế giới.

Ngoài việc tăng thu cho ngân sách, theo ông Hảo việc tăng giá bất động sản sẽ giảm đầu cơ, từ đó các nguồn tiền đầu tư sẽ chảy về tỉnh lân cận, giúp thành phố đạt được mục tiêu giãn dân tự nhiên.

Các chuyên gia cũng cho rằng, thành phố nên tính toán áp dụng hệ số K khác nhau ở từng khu vực, cụ thể đến từng con đường để đồng thời hỗ trợ cho thành phố trong bài toán quy hoạch.

Trong quá trình xem xét dự thảo, lãnh đạo TP.HCM cũng cho biết sẽ lắng nghe toàn bộ ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà đầu tư… để có quyết định phù hợp nhất. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là giá đất quy định của thành phố phải ngày càng tiệm cận với thị trường.

Lãnh đạo TP.HCM cũng cho biết, với cơ chế đặc thù đã được thông qua, TPHCM cũng đang tính toán mọi giải pháp để quản lý giá đất không chỉ là câu chuyện về nguồn thu trước mắt, mà là những tác động dài hạn đối với công tác quản lý đất đai của thành phố.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước