Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản và các trung tâm nghiên cứu công bố dữ liệu cho thấy xu hướng tiêu dùng tại nước này đã thay đổi trong thời gian tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Báo Nikkei dẫn số liệu quản lý thông tin các điểm bán hàng (POS) của Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản, thời điểm từ ngày 20 - 26/4, số lượng máy tính xách tay được bán ra tại các siêu thị điện tử lớn đã tăng 53,3% so với năm trước. Nguyên nhân được xác định là do nhiều người đã chuẩn bị một môi trường làm việc tại nhà, dẫn đến phong trào mua sắm các loại máy tính, màn hình lớn và các loại bàn ghế làm việc.
Ngược lại, mỹ phẩm đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về doanh số, nhất là loại mỹ phẩm dành cho trang điểm như sơn móng tay, son môi đã giảm tới 64,5% tại các siêu thị; 57,1% tại các cửa hàng tiện lợi và 39,6% tại các hiệu thuốc trong giai đoạn từ ngày 20 - 26/4. Ngoài nguyên nhân hạn chế ra ngoài của người dân, việc thường xuyên phải sử dụng khẩu trang đã khiến nhiều phụ nữ không trang điểm đậm.
Nhiều phụ nữ tại Nhật Bản không trang điểm đậm khi ra ngoài do thường xuyên phải sử dụng khẩu trang.
Dữ liệu POS của Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản cũng cho thấy, số lượng đồ uống có cồn được bán ra tại các siêu thị đã tăng 17,8%, ngược lại có xu hướng giảm tại các quán rượu, cũng như các quán cà phê, giải khát.
Theo điều tra của Viện Nghiên cứu Nomura vào thời điểm cuối tháng 3, có đến 52,6% người dân lần đầu tiên làm việc tại nhà. Trong số những người làm việc tại nhà có tới 62,2% muốn sẽ tiếp tục được làm việc bằng hình thức này sau khi dịch COVID-19 kết thúc.
Dịch COVID-19 đã tạo ra thói quen và kinh nghiệm làm việc tại nhà cho nhiều người lao động, tạo ra môi trường làm việc tại nhà một cách thoải mái. Dự báo hình thức làm việc tại nhà, làm việc luân phiên tại trụ sở sẽ phát triển ngay sau khi dịch COVID-19 kết thúc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!