Minh chứng rõ nhất là tình hình khô hạn và xâm nhập mặn diễn ra trong những tháng đầu năm 2016 đã khiến tôm nuôi chết hàng loạt. Kết quả khả quan từ việc áp dụng VietGAP tại vùng nuôi tôm trọng điểm tỉnh Long An đang mở ra hướng phát triển bền vững cho nghề nuôi tôm.
7 vụ nuôi tôm liên tiếp thất bại, ông Hồ Văn Lê – xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An phải gánh khoản nợ hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, ngay lần đầu tiên áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào nuôi tôm, ông đã thành công ngoài mong đợi. Vừa thu hoạch xong đầm tôm rộng 0,7 hecta, ông thu về hơn 200 triệu đồng tiền lãi.
Ông Hồ Văn Lê chia sẻ: "Trước không có hướng dẫn thì xử lý tràn lan, còn giờ áp dụng mô hình này thì đỡ".
Được sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông Quốc gia, năm 2015 và 2016, dự án "nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP" đã được triển khai ở 10 hộ nuôi của tỉnh Long An. Các mô hình cho lợi nhuận bình quân từ 360 đến 450 triệu đồng/hecta, tăng từ 30-40% lợi nhuận so với kỹ thuật nuôi trước đây.
Ông Phạm Phú Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Long An cho hay: "Người dân rất đồng tình hướng đến sản xuất sản phẩm vi sinh tạo nên sản phẩm sạch".
Hiệu quả đã thấy rõ, nhưng số hộ nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP ở Long An đếm trên đầu ngón tay. Nếu tính riêng hộ nuôi được cấp giấy chứng nhận "cơ sở nuôi theo quy phạm VietGAP" thì chỉ có 2 hộ.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu tôm ngày càng khắt khe thì việc tuân thủ quy trình VietGAP là giải pháp tất yếu. Nếu những khó khăn trên không được giải quyết thì sẽ là trở ngại lớn cho việc mở rộng mô hình nuôi tôm hiệu quả này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!