Dịch COVID-19 đẩy kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 17/08/2020 21:28 GMT+7

VTV.vn - Suy thoái kinh tế là bức tranh chung toàn cầu khi các đầu tàu kinh tế thế giới như Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu đều rơi vào tình trạng suy giảm nghiêm trọng do COVID-19.

Kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái lịch sử

Hôm nay (17/8), chính phủ Nhật Bản công bố số liệu cho thấy, quý II vừa qua, Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ thế chiến thứ 2, với mức âm 27,8%. Mức sụt giảm này thậm chí còn nghiêm trọng hơn đợt suy thoái trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009.

Tình trạng khẩn cấp nhằm ứng phó với dịch COVID-19 trong tháng 4 và tháng 5 được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Theo công bố của văn phòng Nội các Nhật Bản vào sáng nay, GDP quý II/2020 của nước này giảm 7,8% so với quý trước, tính theo tỷ suất năm là giảm 27,8%, đây là quý thứ ba liên tiếp kinh tế Nhật Bản có mức tăng trưởng âm. Tiêu dùng cá nhân và kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ giảm sâu được xem là nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm nghiêm trọng của GDP quý II. Tuy nhiên nhập khẩu của Nhật Bản giảm ở mức nhẹ chỉ 0,5%, do tăng cường nhập khẩu từ Trung Quốc và các mặt hàng cần thiết chống dịch bệnh như: khẩu trang, thiết bị phòng hộ y tế và máy tính cho làm việc từ xa.

Dịch COVID-19 đẩy kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng - Ảnh 1.

GDP quý II/2020 của Nhật Bản giảm 7,8% so với quý trước. (Ảnh: Reuters)

"Chúng tôi đã ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 4 và tháng 5, nó đã tạo gánh nặng cho GDP của cả quý II. Các hoạt động kinh tế đã bị buộc phải dừng lại, vì vậy kết quả khó khăn này đến từ tác động đó" - Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Bản Nishimura Yasutoshi nhận định.

Nền kinh tế Nhật Bản đã bắt đầu lao dốc sau khi Chính phủ nước này tăng thuế tiêu dùng lên 10% vào đầu tháng 10/2019, khiến GDP quý IV/2019 tăng trưởng âm. Tuy nhiên, giai đoạn tồi tệ nhất đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới chỉ bắt đầu sau khi dịch COVID-19 bùng phát ở Nhật Bản vào giữa tháng 1/2020. Nó không chỉ hạn chế dòng chảy thương mại giữa Nhật Bản và các nước, mà còn gây gián đoạn các chuỗi cung ứng, tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế Nhật Bản đã chạm đáy trong quý II/2020 và dự báo sẽ có xu hướng phục hồi. Các nhà kinh tế tư nhân dự báo tốc độ tăng trưởng quý III sẽ ở mức cao từ 10% - 13%, nếu không xuất hiện đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng.

Như vậy, triển vọng vượt qua đợt suy thoái nghiêm trọng hiện nay của kinh tế Nhật Bản phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh COVID-19. Đây cũng là bức tranh chung toàn cầu, khi các đầu tàu kinh tế thế giới như Mỹ hay châu Âu đều rơi vào tình trạng suy giảm nghiêm trọng nhất trong vài thập kỷ qua, do đại dịch COVID-19. Nhìn tổng thể, kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ suy giảm ở mức khoảng 5% trong năm nay.

Kinh tế thế giới suy thoái

Theo thống kê chính thức, kinh tế của 19 nước trong khu vực sử dụng đồng Euro suy thoái 12,1% trong quý II - mức thấp chưa từng thấy trong lịch sử. Quý II là giai đoạn đại dịch lên tới đỉnh điểm, tái lập biên giới, phong tỏa thành phố, sản xuất và thương mại hầu như tê liệt. Mức độ suy thoái của nền kinh tế nghiêm trọng hơn nhiều so với dự đoán trước đó báo hiệu quá trình phục hồi sẽ không thể nhanh.

Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - cũng chứng kiến mức suy giảm kỷ lục trong quý II. GDP của nước này giảm 32,9%. Đây là mức giảm sâu nhất từ trước đến nay. Đại dịch hoành hành khiến tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ liên tục tăng cao. Tháng 4, khi dịch COVID-19 ở thời kỳ cao điểm, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng kỷ lục 14,7%. Tháng 7 vừa qua, tỷ lệ này có cải thiện hơn, nhưng vẫn ở mức 10,2%.

Dịch COVID-19 đẩy kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng - Ảnh 2.

Trung tâm thành phố New York (Mỹ) trong những ngày dịch COVID-19 bùng phát. (Ảnh: Reuters)

Tại châu Á, số liệu thống kê chính thức cho thấy nền kinh tế Singapore đã rơi vào suy thoái trong quý II/2020 với mức suy giảm kỷ lục 41,2% so với quý I. Đây là quý thứ 2 sụt giảm liên tiếp của nền kinh tế Singapore.

Nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của Singapore bị tác động nặng nề bởi các biện pháp giãn cách xã hội, trong khi thị trường bên ngoài gần như đóng băng.

Một nền kinh tế lớn khác của Đông Nam Á là Thái Lan cũng ghi nhận mức suy giảm sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.

Theo số liệu mới nhất, GDP của Thái Lan đã giảm 12,2% so với năm 2019. Ngoài các vấn đề logistic và nhu cầu toàn cầu giảm mạnh do dịch bệnh COVID-19, hoạt động xuất khẩu của Thái Lan còn chịu sức ép của việc đồng Baht tăng giá hơn 6% trong quý II.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo, đại dịch COVID-19 sẽ thổi bay 12.000 tỷ của nền kinh tế thế giới trong đoạn 2020 - 2021.

IMF cho rằng trong trường hợp có thể khống chế được dịch bệnh, các nền kinh tế mở cửa lại, kinh tế thế giới có thể hồi phục ở mức 5,8% vào năm 2021.

Thế giới có thể bước vào cuộc suy thoái kinh tế sâu nhất trong lịch sử Thế giới có thể bước vào cuộc suy thoái kinh tế sâu nhất trong lịch sử

VTV.vn - Các tổ chức đồng loạt dự báo thương mại toàn cầu giảm mạnh trong năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước