Gia đình diêm dân Nguyễn Văn Thắng là một trong những hộ hiếm hoi đã chuyển đổi sang nuôi tôm. Dù nằm trong vùng quy hoạch nhưng ông Thắng vẫn phải bỏ tiền ra kéo điện, thậm chí phải vay tín dụng đen lãi suất lên đến 72%/năm vì vay vốn ngân hàng quá khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Hợp tác xã muối Hữu Nghị, Hải Hậu, Nam Định cho biết: “Chuyển sang nuôi tôm phải mất khá nhiều vốn đầu tư, trong khi đó tôi nuôi 6 vụ thất thu 2 vụ, lợi nhuận thu được không nhiều".
Theo quy hoạch cụ thể, đến năm 2020, Nam Định sẽ giảm 1/2 diện tích làm muối so với hiện nay để chuyển đổi sang mô hình sản xuất khác. Nuôi tôm được tỉnh xác định là một trong những mũi nhọn. Tuy nhiên, bản thân địa phương lại chưa đầu tư đúng mức về cơ sở hạ tầng như điện, nước. Nhiều bà con cho biết, họ không nhận được hỗ trợ gì để chuyển đổi nuôi tôm.
Rủi ro hơn khi không ít diêm dân không nằm trong vùng quy hoạch nhưng cũng tự tìm lối ra bằng cách đầu tư chuyển đổi sang nuôi tôm tự phát.
Ông Cao Văn Dương, Giao Thịnh, Giao Thủy, Nam Định cho biết: “Nhiều khó khăn rủi ro như tôm chết, số tiền đầu tư quá lớn. Nếu con giống chết liên tục không thể trụ được”.
Theo nghiên cứu, nuôi tôm trong vùng chưa quy hoạch, có thể gây ô nhiễm ngược lại tới nguồn nước làm muối khiến sản lượng và chất lượng muối giảm đáng kể. Vì vậy, nếu bài toán quy hoạch chưa được giải quyết triệt để thì diêm dân vẫn còn loay hoay giữa hai đầu muối – tôm, tôm – muối.