Hệ thống nén khí của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2). (Ảnh: TASS/TTXVN)
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, các nước phương Tây đã gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Đặc biệt, Đức đã chính thức đình chỉ việc phê duyệt đường ống dẫn khí đốt mới Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) nhằm cung cấp khí đốt của Nga cho nước này. Câu hỏi đặt ra lúc này là phản ứng của Nga trước các lệnh trừng phạt sẽ như thế nào.
Ở "lục địa Già", ngày càng có nhiều lo ngại rằng Nga sẽ trả đũa ở nơi mà họ bị tổn thương nhiều nhất bằng cách cắt nguồn cung đối với các quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt tự nhiên của Nga. Châu Âu nhập khẩu 40% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga, và nhiều quốc gia có quan hệ thương mại và đầu tư quan trọng với thị trường Nga. Tuy nhiên, mỗi quốc gia sẽ không gặp rủi ro như nhau nếu Nga khóa van đường ống với châu Âu.
BRUEGEL, tổ chức tư vấn châu Âu chuyên về kinh tế, đã lập một bảng so sánh về tình hình phụ thuộc của các quốc gia châu Âu (bao gồm cả Thụy Sỹ) theo tỷ lệ khí đốt của Nga chiếm trong tổng lượng tiêu thụ khí đốt của họ trong năm 2021.
Theo đó, Estonia, Phần Lan và Moldova là những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào Nga, quốc gia cung cấp không nhiều hơn cũng không ít hơn tổng lượng khí đốt tiêu thụ của họ. Nhiều nước Đông Âu như Bulgaria, Latvia, Serbia, Slovakia, Ba Lan, Áo và Hungary cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt này, từ 80% đến 99% tổng lượng tiêu thụ của họ.
Đức, quốc gia vừa đình chỉ dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 2, cũng không chịu thua kém với hơn 53% lượng khí đốt tiêu thụ đến từ Nga.
Bỉ đứng ở vị trí thứ 26 trong bảng xếp hạng 30 quốc gia này với 3,49% tổng lượng tiêu thụ khí đốt, phần lớn nhập khẩu đến từ Na Uy (64,83%).
Tiếp theo là Luxembourg với 53,69%, Thụy Sỹ (44,40%), Italy với 33,39%, Pháp (7,61%) và Hà Lan (5,17%). Chỉ có Tây Ban Nha (0,46%), Vương quốc Anh (0,12%), Ireland với 0,09% và Bồ Đào Nha (0%) là ít phụ thuộc nhất vào khí đốt của Nga ở châu Âu.
Tuy nhiên, một tiêu chí khác phải được tính đến đó là tỷ trọng khí đốt trong tổng mức tiêu thụ năng lượng của mỗi quốc gia.
Một số nước như Estonia, Phần Lan, Moldova, Đan Mạch, Hy Lạp hay thậm chí là Tây Ban Nha đang giảm mạnh sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trên tổng mức tiêu thụ năng lượng của họ nhờ sử dụng các nguồn tài nguyên thay thế.
Theo BRUEGEL, tỷ lệ khí đốt trên tổng năng lượng tiêu thụ ở Bỉ lên tới 29% vào năm 2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!