Điểm sáng kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2021

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 07/08/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - Với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và nhân dân cả nước, bức tranh kinh tế của Việt Nam trong 7 tháng qua vẫn có không ít điểm sáng.


Những điểm sáng của kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm 

Nỗ lực duy trì ổn định kinh tế

Dịch COVID-19 với biến chủng mới lây lan nhanh đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong 7 tháng đầu năm qua. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế của Việt Nam trong 7 tháng qua vẫn có không ít điểm sáng nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 7 tháng qua ước đạt trên 185,3 tỷ USD, tăng tới 25,5% so với cùng kỳ năm trước.

Việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16 ở một số địa phương tuy có ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án, nhưng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách vẫn tăng 5,6%. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tuy giảm về số dự án, nhưng vẫn tăng 7% vốn đăng ký và tăng 3,8% về vốn thực hiện.

Điểm sáng kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2021 - Ảnh 2.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 7 tháng qua tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Có được các điểm sáng trên là nhờ các ngành kinh tế trụ cột vẫn tăng trưởng dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7 vẫn tăng 1,8% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng chỉ số này tăng tới 7,9%.

Đặc biệt, 12 trong số 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16 vẫn có mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Đây được coi là nỗ lực lớn trong bối cảnh biến thể Delta của dịch COVID-19 tấn công vào các trung tâm sản xuất công nghiệp lớn trên cả nước.

Bên cạnh việc duy trì được các ngành kinh tế trụ cột, kinh tế vĩ mô cũng giữ được sự ổn định. Đáng chú ý, trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu ngày càng tăng cao, giá cả nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất liên tục tăng trong thời gian vừa qua, nhưng CPI 7 tháng chỉ tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2020 và là mức thấp nhất trong 6 năm qua. 

Đây được xem là lợi thế và tạo dư địa cho Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát cả năm nay ở mức dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đã đề ra.

Vượt khó, thu ngân sách 7 tháng đạt gần 68% dự toán

Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng kết quả thu ngân sách nhà nước 7 tháng qua vẫn đạt gần 68% dự toán và tăng tới 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

Việc thu ngân sách đạt kết quả tốt sẽ đảm bảo an ninh tài chính của đất nước, tạo thêm nguồn lực cho phòng chống dịch và vốn cho đầu tư phát triển khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Đây được xem là thành quả của cả quá trình thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua các nhiệm kỳ và sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương.

Ngân hàng là một trong lĩnh vực có tỷ lệ đóng góp ngân sách tăng cao nhất trong những tháng đầu năm nay.

Điểm sáng kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2021 - Ảnh 3.

Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng kết quả thu ngân sách nhà nước 7 tháng qua vẫn đạt gần 68% dự toán. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Cùng với ngân hàng, các lĩnh vực khác như chứng khoán, bất động sản, sản xuất, lắp ráp ô tô cũng có sự tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm nay đã giúp Cục Thuế Hà Nội tuy đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ giãn, hoãn, miễn giảm thuế, phí cho doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn bởi dịch bệnh, nhưng thu ngân sách 7 tháng qua vẫn đạt trên 140.000 tỷ đồng, tăng trên 12,% so với cùng kỳ năm trước.

"Do hoạt động của các doanh nghiệp cuối năm 2020 phục hồi. Thứ hai có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng được gia hạn nhưng có sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh nên đã không thực hiện giãn thuế mà nộp theo đúng quy định", Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Nguyễn Tiến Trường cho hay.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 với biến chủng mới lây lan nhanh gần đây đã khiến nguồn thu ngân sách có dấu hiệu giảm dần, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam vốn chiếm tới gần 70% tổng thu ngân sách Nhà nước. Đây sẽ là thách thức rất lớn cho nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước những tháng còn lại của năm nay và cả trong năm tiếp theo.

Nỗ lực duy trì tăng trưởng xuất khẩu

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của cả nước 7 tháng qua vẫn duy trì được đà tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 là một trong những điểm sáng lớn trong bức tranh kinh tế. Tính chung 7 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 185 tỷ USD.

Để có thể duy trì được đà xuất khẩu này trong những tháng cuối năm, khi dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, những hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, nhất là kết nối tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, thủy sản được ngành Công Thương đặc biệt quan tâm.

Điểm sáng kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2021 - Ảnh 4.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại một nhà máy chế biến thủy sản ở An Giang. (Ảnh: TTXVN)

Hơn 700 đại biểu trong nước và quốc tế đã được kết nối với điểm cầu Hà Nội, gồm đại diện các Bộ ngành, các Thương vụ Việt Nam tại 48 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, các Hiệp hội ngành hàng, các kênh phân phối và các sàn thương mại điện tử. Tại đây, đại diện các nhà nhập khẩu nước ngoài cũng đã chia sẻ những giải pháp để nông, thủy sản Việt Nam có thể cải thiện tình hình tiêu thụ trong thời gian tới.

Theo Bộ Công Thương, điểm sáng xuất khẩu thời gian qua có được phần lớn là nhờ Việt Nam đã tận dụng rất tốt lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do. Hầu hết các thị trường đã ký hiệp định đều có sự tăng trưởng rất cao so với cùng kỳ. Tuy nhiên, 2 thách thức lớn nhất được chỉ ra cho những tháng còn lại của năm nay là sự thiếu hụt lao động trong thu hoạch, chế biến và những hạn chế trong lưu thông hàng hóa do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, Bộ Công Thương cũng cho rằng cần ưu tiên hỗ trợ cho sản xuất các mặt hàng chế biến chế tạo, bởi đây đang là những mặt hàng chiếm tới hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Điểm sáng kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2021 - Ảnh 5.

Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức trong những tháng cuối năm

Tuy bức tranh kinh tế - xã hội 7 tháng qua có nhiều điểm sáng, nhưng tình hình trong những tháng còn lại của năm được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức, nên khả năng hồi phục nhanh và tạo đà tăng trưởng sẽ là rất khó khăn nếu diễn biến dịch bệnh tiếp tục phức tạp, khó lường như hiện nay. 

Đặc biệt, những thách thức từ bên ngoài như nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất đang thiếu hụt; giá cả một số nguyên vật liệu, giá cước vận tải trên thị trường thế giới tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu trong nước. Như vậy, sức bật trở lại guồng sản xuất của nền kinh tế sẽ bị hạn chế, qua đó ảnh hưởng chung đến tăng trưởng kinh tế chung của cả nước trong những tháng cuối năm.

Giảm đau kinh tế bằng đầu tư công Giảm đau kinh tế bằng đầu tư công

VTV.vn - Trong bối cảnh làn sóng COVID-19 lần thứ 4 bùng phát và lan rộng, đẩy mạnh đầu tư công được kỳ vọng trở thành liều thuốc giảm đau cho nền kinh tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước