Diễn đàn năm nay tập trung vào chủ đề "Thúc đẩy các mô hình kinh tế mới hướng tới phát triển bền vững".
Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển kinh tế xanh, bao gồm thiếu khung pháp lý hoàn chỉnh, hạn chế về cơ sở hạ tầng và công nghệ, nguồn tài chính xanh còn hạn chế, và nhận thức chưa đầy đủ từ các doanh nghiệp. Thị trường tiêu thụ sản phẩm xanh trong nước cũng chưa phát triển mạnh, tạo ra rào cản lớn cho các doanh nghiệp muốn chuyển đổi. Những trăn trở này đòi hỏi Việt Nam cần có những giải pháp toàn diện hơn để thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường trong tương lai.
Chuyển đổi xanh là tất yếu
Việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, sạch và tiết kiệm năng lượng đã trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Với sự gia tăng của biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và nhu cầu phát triển bền vững, các mô hình kinh tế truyền thống không còn phù hợp. Kinh tế xanh không chỉ giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tạo ra cơ hội phát triển bền vững và lợi thế cạnh tranh. Áp dụng công nghệ sạch và tiết kiệm năng lượng giúp giảm chi phí sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường toàn cầu, và đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững.
Tại hội nghị, hiệu quả của một số mô hình chuyển đổi xanh trên địa bàn thành phố đã được đưa ra đánh giá, thảo luận, nhằm đúc rút kinh nghiệm để nhân rộng, phát triển.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tuấn Ngọc ở TP. Hồ Chí Minh - một mô hình chuyển đổi xanh đang cho "quả ngọt".
Tiêu biểu như Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tuấn Ngọc ở TP. Hồ Chí Minh - một mô hình sản xuất đã bắt đầu gặt hái được những "quả ngọt" từ mô hình chuyển đổi xanh ở HTX của mình. Thông qua việc áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến như đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời và hệ thống thủy canh chuyên trồng xà lách vùng nóng, HTX này không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Cụ thể, hệ thống điện mặt trời đã giúp HTX giảm chi phí điện từ 1,7 triệu đồng xuống còn 1,2 triệu đồng/tháng, trong khi hệ thống thủy canh giúp tiết kiệm chi phí nước từ 1,5 triệu đồng xuống còn 800.000 đồng/tháng, còn chi phí dinh dưỡng giảm từ 7,3 triệu đồng xuống còn 3,6 triệu đồng/tháng. "Từ khi bắt đầu thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh và sạch hơn, chúng tôi đã tiết kiệm được hơn 50% chi phí sản xuất mỗi tháng" - đại diện cơ sở sản xuất này cho biết.
Tán thành với cách làm của những mô hình sản xuất xanh này, tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững đã trở thành yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hiện nay
Theo TS. Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), sự kết hợp giữa kinh tế số và kinh tế xanh không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình hoạt động mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050.
PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng cho rằng những nỗ lực chuyển đổi xanh là minh chứng rõ nét nhất cho việc mô hình tăng trưởng hiện tại cần chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu. Ông Tuấn nhấn mạnh rằng, sự phát triển bền vững phải dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, giúp tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế mà vẫn đảm bảo tính bền vững về môi trường.
Thực tế chứng minh Chuyển đổi xanh đã giúp tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đã tăng đều trong những năm qua, với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 3 - 4% mỗi năm. Việc áp dụng công nghệ xanh đã giúp nông dân tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị kinh tế của ngành.
Một trong những thành công lớn nhất của chuyển đổi xanh là giảm thiểu sử dụng nước và năng lượng trong sản xuất nông nghiệp. Ví dụ, hệ thống tưới nhỏ giọt đã giúp giảm lượng nước tiêu thụ lên tới 50% so với các phương pháp tưới truyền thống. Bên cạnh đó, việc sử dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất đã giúp giảm chi phí điện năng từ 20-30%, đồng thời giảm phát thải khí CO2.
Cần nhiều hỗ trợ hơn cho doanh nghiệp
Dù có những thành công ban đầu, hành trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất là chi phí đầu tư ban đầu cao, đặc biệt là khi triển khai các hệ thống điện năng lượng mặt trời, tưới tự động và quản lý công nghệ hiện đại.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ là chìa khóa để thực hiện thành công chuyển đổi xanh.
Bên cạnh đó, việc bảo trì và bảo dưỡng các thiết bị công nghệ cao, việc đào tạo và nâng cao kỹ năng cho nông dân và cán bộ để vận hành hiệu quả các hệ thống này cũng đòi hỏi chi phí không nhỏ, gây áp lực tài chính cho không ít cơ sở sản xuất.
Để giải quyết những khó khăn này, Ông Jean - Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham, khuyến nghị rằng Việt Nam cần có một lộ trình chuyển đổi tổng thể và toàn diện, trong đó các trụ cột chính cần tập trung bao gồm khung khổ pháp luật, thực hiện các dự án thí điểm, và mở rộng các nguồn tài chính xanh. Ông Bouflet chỉ ra rằng, kinh nghiệm từ Đức và Hàn Quốc cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ là chìa khóa để thực hiện thành công chuyển đổi xanh.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Giám đốc Khối Digital Lighhouse, KPMG Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số song hành với chuyển đổi xanh. Ông Hoàng lưu ý rằng chuyển đổi số không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình và giảm chi phí mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi nền kinh tế theo hướng bền vững. Tuy nhiên, để đạt được điều này, các doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật số và phát triển nguồn nhân lực với kỹ năng số hóa cao.
"Việc thúc đẩy phát triển kinh tế xanh cần sự cam kết mạnh mẽ từ cả khu vực công và tư, đồng thời cần mở rộng các hình thức tài chính xanh như trái phiếu xanh và giao dịch tín chỉ carbon, để đảm bảo sự phát triển bền vững dài hạn" - ông Vũ Mạc Hưng, chuyên gia tư vấn kinh tế xã hội của Boston Consulting Group (BCG), phát biểu tại diễn đàn.
Những nỗ lực của các doanh nghiệp, cùng với các khuyến nghị từ chuyên gia, cho thấy rằng chuyển đổi xanh và số không chỉ là xu hướng mà là yêu cầu tất yếu để Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có sự đồng lòng và hỗ trợ toàn diện từ nhiều phía và cả cộng đồng quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!