Hiện nay, khi thành lập công ty dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp phải ký quỹ từ 100 - 500 triệu đồng, tùy thuộc vào việc đăng ký đối tượng khách phục vụ.
Theo Hội đồng Tư vấn Du lịch, đề xuất giảm 80% tiền ký quỹ cho công ty mới thành lập là điều kiện cần để kích thích thị trường du lịch sôi động trở lại. Tuy nhiên, chính sách mới lại không có tác dụng hỗ trợ cho những doanh nghiệp đang hoạt động.
Nhiều doanh nghiệp du lịch đã phá sản trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: Dân trí)
"Rất bất hợp lý khi chúng tôi không có business (kinh doanh) vẫn phải để tiền ký quỹ, lãi suất thấp, trong khi đó chúng tôi phải đi vay ngân hàng với lãi suất thương mại. Kiến nghị Chính phủ cần phải cho các doanh nghiệp vay dựa trên khoản thuế mà các doanh nghiệp đã đóng năm 2019", ông Ngô Minh Đức, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), nói.
Do ảnh hưởng dịch của COVID-19, ngành du lịch Việt Nam dự kiến giảm hơn 80% lượng khách quốc tế. (Ảnh: Dân trí)
Thực tế hiện nay, đa số doanh nghiệp vẫn chưa thể hấp thụ được các gói hỗ trợ từ Chính phủ như gói 62.000 tỷ đồng. Đơn cử tại TP.HCM, chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp lữ hành được hỗ trợ giảm lãi suất, gia hạn nợ gốc. Do đó, trong thời gian chờ điều chỉnh nới lỏng điều kiện, gỡ vướng các gói hỗ trợ, việc cho vay lại 50% tiền ký quỹ, doanh nghiệp có thể hấp thụ được ngay.
Các chuyên gia cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp du lịch phá sản trong thời gian qua, đối tượng doanh nghiệp thành lập mới để hưởng chính sách giảm 80% tiền ký quỹ sẽ không nhiều.
Trong khi, tiền ký quỹ có chức năng đảm bảo quyền lợi cho du khách khi xảy ra tai nạn trong quá trình đi du lịch. Do vậy, việc cho vay lại một nửa tiền ký quỹ sẽ khả thi hơn là giảm cho các công ty mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!