"Đỉnh cao và vực sâu": Kỳ lân Airbnb có đủ sức qua cơn "hạn vận" COVID-19?

Việt Linh-Thứ tư, ngày 03/06/2020 08:00 GMT+7

VTV.vn - Từng được xem là hình mẫu của lĩnh vực kinh tế chia sẻ, nhưng “cơn bão” từ dịch COVID-19 đã khiến "gã khổng lồ" Airbnb rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ.

Chỉ mới đầu năm nay thôi, 2020 còn được xem là một năm cực kỳ sáng sủa với Airbnb. Kết quả kinh doanh tích cực, tiếp tục ăn nên làm ra so với nhiều kỳ lân "bom xịt" giúp công ty này được dự báo sẽ tạo nên vụ IPO hấp dẫn nhất trong năm. Mức định giá của hãng, theo đánh giá gần nhất năm 2017, đã là hơn 30 tỷ USD. Chỉ hơn 10 năm hình thành và phát triển, hãng đã nắm trong tay hơn 7 triệu phòng cho thuê từ 220 quốc gia.

Nhưng khi đại dịch COVID-19 quét qua thế giới, toàn bộ các ngành nghề liên quan tới du lịch đã rơi vào tình trạng đóng băng, và Airbnb cũng không phải là ngoại lệ. Tính đến tháng 4 vừa rồi, giá trị định giá của hãng đã sụt giảm gần một nửa so với mức đỉnh cao.

Những bước tiến vững chắc

Điều trùng hợp là Airbnb cũng khai sinh từ một cuộc suy thoái kinh tế. Năm 2008, 3 nhà đồng sáng lập dẫn đầu bởi CEO Brian Chesky, khi đó còn là sinh viên, đã nảy ra ý tưởng về một trang web chung cho phép đăng ký phòng để cho thuê chung – với căn hộ của chính họ là địa điểm đầu tiên. Kế hoạch này đã nhanh chóng cất cánh, nhờ vào việc nhiều người khi đó bị mất việc làm do khủng hoảng tài chính, sẵn sàng cho thuê chung nơi ở của mình để có thêm nguồn thu nhập.

Đỉnh cao và vực sâu: Kỳ lân Airbnb có đủ sức qua cơn hạn vận COVID-19? - Ảnh 1.

3 nhà đồng sáng lập Airbnb

Nhìn lại bước khởi đầu, Chesky cũng cho rằng đó là một bước đi thành công: "Chúng tôi có thể có thu nhập ngay từ ban đầu, và hầu như không cần phải tìm thêm vốn ở bất kỳ thời điểm cụ thể nào. Chúng tôi đón đầu xu hướng để đầu tư trước, và nhờ vậy có thể tạo ra lợi nhuận ở mọi thời điểm"

Đỉnh cao và vực sâu: Kỳ lân Airbnb có đủ sức qua cơn hạn vận COVID-19? - Ảnh 2.

Lượng truy cập Airbnb và các nền tảng đặt phòng trong tháng 1/2020 (nguồn: CNBC)

Khả năng sinh lời vững chắc này đã giúp giới đầu tư, và hầu như tất cả mọi người có thêm sự tin tưởng vào tiềm năng của công ty này. Tính đến cuối năm ngoái, hãng đã có hơn 3 triệu đối tác là chủ nhà cho thuê, cùng lượng truy cập trong tháng 1 vừa qua vượt ngưỡng 50 triệu lượt – gấp hơn 3 lần đối thủ xếp sau gần nhất.

Mối nguy từ "cơn bão" COVID-19

Tuy nhiên, ở vào thời điểm được xem là nhiều hứa hẹn nhất của mình, thì một chướng ngại quá lớn đã xuất hiện – COVID-19.

Ngay sau khi dịch bệnh được báo cáo vào đầu năm nay ở Trung Quốc, lượng đặt phòng tại quốc gia tỷ dân – một trong những thị trường lớn nhất của Airbnb đã sụt giảm về gần bằng 0. Nhưng chỉ đến khi dịch bệnh lây lan mạnh sang châu Âu và Mỹ, thì hãng mới bắt đầu cảm nhận tình hình đang vượt khỏi tầm kiểm soát.

Đỉnh cao và vực sâu: Kỳ lân Airbnb có đủ sức qua cơn hạn vận COVID-19? - Ảnh 3.

Airbnb đưa ra chính sách bồi thường toàn bộ với một số khách hàng phải hủy phòng do dịch bệnh, trong giai đoạn từ 14/3/2020 tới 14/4/2020 (Nguồn: CNBC)

Một trong những quyết định gây nhiều tranh cãi nhất của Airbnb, đó là cho phép bồi hoàn toàn bộ tiền cho những khách hàng phải hủy phòng nếu check-in trong giai đoạn từ 14/3/2020 tới 14/4/2020. Việc này đi ngược lại chính sách lâu năm của hãng là cho phép các chủ nhà tự thỏa thuận với khách việc hoàn tiền. Những phản ứng dữ dội từ nhiều chủ nhà đã buộc CEO Chesky phải đăng đàn xin lỗi, vì không tham vấn trước khi ra quyết định.

Sau quyết định này, Airbnb cũng phải chấp nhận trả 25% tiền đặt phòng bị hủy các chủ nhà, cũng như lập một quỹ để hỗ trợ các đối tác gặp khó khăn về tiền vay thế chấp mua nhà. Quyết định này đã đè nặng thêm chi phí của hãng, vốn đã bị đội lên gấp đôi từ năm ngoái do các biện pháp tăng cường an ninh, sau 1 vụ xả súng làm 5 người thiệt mạng trong nhà thuê Airbnb ở Mỹ.

Khía cạnh tài chính cũng không mấy sáng sủa. Doanh thu từ đặt phòng ngắn hạn rơi xuống gần bằng 0 cùng chi phí tăng, đã buộc Airbnb phát hành trái phiếu vay nợ 1 tỷ USD với lãi suất cao.  Hãng cũng tỏ ra rất dè dặt với khả năng tiếp tục vụ IPO trong năm nay, điều gây lo lắng cho nhiều nhân viên bởi họ đang sở hữu nhiều quyền chọn mua cổ phiếu sẽ hết hạn vào cuối năm – nghĩa là chúng sẽ thành vô giá trị nếu như hãng không lên sàn trong năm nay.

Thiệt hại của Airbnb trong năm 2020:


Doanh thu dự báo: giảm 50%

Cho thôi việc: 1.900 nhân viên toàn cầu

Giá trị định giá: 18 tỷ USD (giảm 42%)


Và tháng 5 vừa rồi, nối bước nhiều ông lớn kinh tế chia sẻ khác như Uber và Lyft, Airbnb đã phải hạ dự báo tăng trưởng năm 2020, đồng thời công bố sa thải gần 2.000 nhân viên, tương đương gần 1/4 tổng nhân sự của hãng trên toàn cầu.

Liệu rằng Airbnb có thể sống sót vượt qua đại dịch?

Tuy nhiên, triển vọng của Airbnb vẫn được cho là còn nhiều cơ hội sáng sủa. Khó khăn do đại dịch cũng đã thúc đẩy hãng chuyển hướng sang mảng đặt phòng dài hạn, giúp mang lại nguồn thu ổn định hơn. Các quy tắc mới nhằm tăng cường an ninh, và vệ sinh phòng ngừa dịch bệnh cũng cho phép Airbnb làm yên lòng các khách hàng trong giai đoạn mới phục hồi sau dịch bệnh.

Đỉnh cao và vực sâu: Kỳ lân Airbnb có đủ sức qua cơn hạn vận COVID-19? - Ảnh 4.

Airbnb tăng cường quảng cáo cho các dịch vụ đặt phòng dài hạn (Nguồn: WSJ)

Tuy nhiên, đa số các chuyên gia cũng nhìn nhận, tình hình ngắn hạn vẫn sẽ nhiều thách thức với Airbnb. Và hãng cũng sẽ cần ít nhất 2 quý phục hồi trở lại, trước khi nghĩ tới kế hoạch IPO dang dở.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, cuộc khủng hoảng của gã khổng lồ đặt phòng này, cũng là một tấm gương lớn phản chiếu các hạn chế của mô hình kinh tế chia sẻ. "Không như các khách sạn hay khu nghỉ dưỡng, Airbnb là một đơn vị quản lý bất động sản nhưng lại không sở hữu một tài sản nào" - Preetika Rana, chuyên gia về kinh tế chia sẻ của Thời báo Phố Wall nhìn nhận – "Và vấn đề hiện nay buộc chúng ta phải tự đặt câu hỏi mang tính cốt lõi về kinh tế chia sẻ, đó là ai sẽ chịu trách nhiệm khi những rủi ro đột biến xảy ra".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước