Những giá thép lỗ chỗ, công nhân thưa thớt… cảnh tưởng sản xuất tại Công ty Hòa Bình inox khác hẳn so với cách đây 2 năm, khi sản lượng thép nhiều gấp đôi, nhân công đông gấp rưỡi. Đó là thời điểm doanh nghiệp chưa chịu sự cạnh tranh ồ ạt của các đối thủ đến từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia…
‘(Công ty Inox Hòa Bình)
Để tiếp tục giữ số thép còn lại trên giá, giữ số công nhân còn lại tại xưởng, Công ty Hòa Bình Inox đã cùng với Công ty Posco VST đâm đơn kiện chống bán phá giá lên Bộ Công Thương. Hai đơn vị chiếm tới 80% thị phần thép inox tại Việt Nam này đang kiến nghị áp thuế chống bán giá trung bình là 20% cho các đối thủ ngoại.
Lý do bởi, giá mặt hàng thép inox nhập khẩu từ các thị trường trên thấp hơn nhiều so với giá các sản phẩm cùng loại trong nước, thậm chí thấp hơn cả giá thành bán tại nước họ.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Hòa Bình Inox cho biết: “Theo bản theo dõi xuất nhập khẩu của chúng tôi, sản phẩm thép nhập khẩu ở 4 nước trên đều thấp hơn giá bán trên thị trường Việt Nam, với mức khoảng 25%. Đơn cử như Trung Quốc, giá của họ rất cạnh tranh vì họ có những hỗ trợ rất nhiều từ Chính phủ. Thuế thoái thu xuất khẩu cũng đã được mười mấy phần trăm, nên về đơn giá, đã có sự cạnh tranh rất nhiều”.
Nhiều năm qua, thép Việt Nam luôn chịu lép vế trước thép nhập khẩu. Chỉ trong 3 năm, từ 2009 đến 2011, thép inox nhập khẩu tăng tới 34%. Nếu tiếp tục tình trạng này, sớm muộn thép Việt Nam cũng sẽ thua ngay chính tại sân nhà. Do đó, biện pháp tự vệ tốt nhất lúc này là tấn công.
Ông Nguyễn Việt Hùng cho rằng: “Chúng tôi nghĩ chúng tôi có khả năng thắng kiện vì tất cả các quốc gia đều có hàng rào thuế quan. Nếu chúng ta làm được điều này thì tôi tin nhập siêu của Việt Nam sẽ giảm đi rất nhiều”.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, đây là vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên tại Việt Nam và là 1 trong 3 vụ các doanh nghiệp Việt sử dụng công cụ phòng vệ thương mại, để chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài.
Bà Nguyễn Thùy Dung, chuyên gia tư vấn luật, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói: “Đây là dấu hiệu tích cực. Tôi đã nghe nói ngành gia cầm có mong muốn chống bán phá giá nhưng vẫn chưa có động tĩnh gì. Nhưng nếu doanh nghiệp này đi tiên phong thì sẽ mở đầu cho sự tự bảo vệ mình. Với vai trò đơn vị hỗ trợ, VCCI hoàn toàn hoan nghênh các doanh nghiệp biết chủ động sử dụng quyền của mình trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh”.
Các chuyên gia cho rằng, sự dè dặt trong khiếu kiện tự vệ thương mại là do thiếu kiến thức về luật quốc tế, thiếu cơ sở dữ liệu và nguồn tài chính hạn hẹp. Câu hỏi đặt ra là đơn vị đại diện cho quyền lợi của các doanh nghiệp là Hiệp hội ngành hàng đang ở đâu, để doanh nghiệp tiếp tục đơn thương độc mã trong cuộc chiến thương mại quốc tế.