Kết quả này thấp hơn cùng kỳ năm trước. Để đạt được mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn của năm nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thì từ nay đến tháng 1 năm sau, chúng ta sẽ phải giải ngân gần 35% tổng số vốn được giao, tương đương với khoảng 230.000 tỷ đồng phải được đưa vào nền kinh tế.
Hết 11 tháng, có 18 bộ, ngành và 40 địa phương giải ngân tích cực, ước đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn 28 bộ, ngành và 23 địa phương giải ngân thấp hơn. Trong các tháng cuối của kỳ giải ngân năm nay, một số địa phương đang bứt tốc để tốc để có thể về đích theo đúng mục tiêu đã đề ra.
Chạy nước rút giải ngân đầu tư công những tháng cuối năm
Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng là yếu tố quyết định đến việc giải ngân vốn đầu tư công được nhanh và thuận lợi.
Dự án tuyến đường nối Quốc lộ 1 và Quốc lộ 45 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa dài 14km, có tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. Đến nay, đã đạt trên 90% khối lượng thi công và giải ngân trên 83% tổng vốn.
Ông Đoàn Khả Phú - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư công trình giao thông tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Toàn bộ về cầu có chiều dài 1.042m đã cơ bản hoàn thành, yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo thông xe kĩ thuật trước Tết âm lịch để bà con đi lại".
Đến cuối tháng 11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 76%, cao hơn nhiều mức bình quân của cả nước. Ngay từ đầu năm, công tác giao vốn đã được tỉnh thực hiện sớm, làm cơ sở để các địa phương đẩy nhanh giải phóng mặt bằng và các chủ đầu tư cũng thanh toán kịp thời cho các nhà thầu thi công.
Ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tập trung về mặt bằng liên quan đến các dự án đầu tư công. Vào những ngày cuối năm chúng tôi tiếp tục tập trung giải quyết các điểm nghẽn còn lại và tháo gỡ khó khăn tiếp tục để làm sao đó đạt được kết quả tốt nhất trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công năm 2024".
Thành lập các tổ công tác do Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh làm tổ trưởng để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và tháo gỡ khó khăn, là cách mà nhiều địa phương đã áp dụng ngay từ đầu năm để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, cũng liên tục rà soát và điều chuyển vốn từ dự án giải ngân chậm sang dự án giải ngân tốt.
Ông Bùi Thanh An - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: "Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh đã thường xuyên họp các phiên họp chuyên đề để ban hành các nghị quyết điều chuyển vốn theo thẩm quyền của HĐND và ủy ban tỉnh cũng đã điều chuyển vốn ngay từ tháng 6 và liên tục cho đến cuối năm".
Hiện nhiều chủ đầu tư, nhà thầu thi công hưởng ứng đợt phát động "60 ngày đêm tăng tốc", thi công 3 ca 4 kíp để đảm bảo tiến độ. Đồng thời, việc nghiệm thu, thanh toán cũng được thực hiện khẩn trương, tránh dồn việc vào tháng cuối cùng.
Càng về cuối năm thì trên các công trường của các công trình hạ tầng giao thông lại càng nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Bởi vì mỗi một công trình đầu tư công được sớm đưa vào sử dụng bao nhiêu thì sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và cả vùng nói chung.
Đường bộ cao tốc Bắc Nam đẩy nhanh thời gian hoàn thành
Khẩn trương thi công và giải ngân các dự án trọng điểm quốc gia có vốn đầu tư công lớn như đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Bên cạnh các dự án do địa phương phụ trách, thì các dự án trọng điểm quốc gia có vốn đầu tư công lớn như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, những ngày cuối năm càng phải khẩn trương thi công và giải ngân.
Theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải, không được để thời tiết làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, đặc biệt với những đoạn đi qua khu vực miền Trung dự kiến sẽ được thông xe vào ngày 30/4 năm sau.
Khi hạng mục thảm nhựa mặt đường chưa thể thi công vì trời mưa, các nhà thầu tại các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua khu vực miền Trung đã chủ động dồn sức cho phần việc khác không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, để bổ sung tiến độ ở tất cả các mũi.
"Tranh thủ những ngày hửng nắng lên là tập trung thi công đại trà, vật liệu, vật tư đã tập kết tất cả lên công trường", ông Phạm Xuân Ước - Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình giao thông 2 chia sẻ.
Các đoạn dự án cũng được rà soát kỹ, chậm ở đâu phải xử lý dứt điểm ở đó, đặc biệt với công tác giải phóng mặt bằng để không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Ông Lưu Tuần Tuấn - Ban quản lý điều hành dự án Vạn Ninh - Cam Lộ cho hay: "Địa phương bàn giao mặt bằng sớm cộng với thời tiết thuận lợi thì dự án sẽ phấn đấu hoàn thành toàn bộ công tác nền đường trong tháng 1, công tác thảm bê tông nhựa sẽ hoàn thành trong tháng 2".
Ngay khi mưa giảm và thời tiết thuận lợi hơn sẽ là thời điểm để các mũi thi công tăng tốc bù lại tiến độ.
"Đã hoàn thành hơn 76,3% khối lượng của dự án. Các công trình chính của dự án như các công trình cầu, hầm, hầm chui dân sinh hiện đã cơ bản hoàn thành", ông Phạm Tuấn Cường - Ban quản lý điều hành dự án Vũng Áng – Bùng chia sẻ.
Dự kiến đến 30/4 năm sau, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ được hoàn thành đến tỉnh Quảng Trị. Các đoạn còn lại nối dài đến Cà Mau sẽ hoàn thành chậm nhất vào cuối năm 2025.
Kỳ giải ngân vốn đầu tư công năm nay sẽ kết thúc vào cuối tháng 1/2025. Tức là chỉ còn hơn 1 tháng nữa để các bộ ngành, địa phương tập trung cho nhiệm vụ quan trọng này. Các đơn vị sẽ phải tích cực, chủ động giải quyết các vướng mắc khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Để vốn đầu tư công phát huy được vai trò vốn mồi dẫn dắt và thu hút các nguồn vốn khác trong xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!