Một góc chợ Việt tại Thủ đô Varsava. Ảnh: VTVNews
Không chỉ cộng đồng doanh nhân Việt tại Ukraine gặp khó khăn, mà cả ở những nước thành viên Liên minh châu Âu giáp ranh với Ukraine, như tại Ba Lan, Czech, Hungary và Roumanie, người Việt đang kinh doanh buôn bán cũng cảm nhận được tác động tiêu cực từ tình hình chính trị hiện nay.
Chợ Việt tại Thủ đô Warsaw, rất xa Ukraine, nhưng hơi nóng chiến sự tràn sang cả tới đây. Những mặt hàng mà Nga ngưng mua từ Tây Âu, bao gồm cá, thịt, sữa, rau tươi, hoa quả..., rất may mắn lại là những mặt hàng mà người Việt tại Ba Lan không mấy khi kinh doanh. Thế nhưng, nay người dân Ukraine không dám chi tiêu nhiều như trước cũng tác động gián tiếp tới các doanh nghiệp Việt tại Ba Lan.
Ông Nguyễn Văn Thật, Doanh nhân tại Ba Lan cho biết: "Trong giai đoạn trước, chưa có chiến sự xảy ra, sự thông thương rất thuận lợi, bà con người Việt buôn bán bên Ba Lan rất suôn sẻ, bởi vì luồng hàng được thông suốt. Nhưng hiện nay, trong mấy tháng qua ách tắc rất nhiều, và chợ cũng thấy kém đi, khách từ Litva Ukraine sang rất ít".
Tình cảnh chung không chỉ thấy tại Ba Lan, mà cả ở những nước Đông Âu có chung biên giới với Ukraine. Ba Lan, Hungary, Roumani, Czech và Slovakia là những quốc gia thành viên Liên minh châu Âu. Hàng hóa sản xuất tại Tây Âu hay vận chuyển qua đây đều là những thứ có thể bán được sang Ukraine, rồi từ đó sang tới các tỉnh biên giới của Nga. Chiến tranh và cấm vận đã phá vỡ một số mảng thị trường hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Minh, Doanh nhân tại Ukraine nói: "Bây giờ người ta cũng phải phòng thủ, bởi lương của người Ukraine hiện nay hầu như bị cắt giảm. Nói về tiêu tiền thì sức mua bán là không có, tức là mua bán bây giờ rất dè dặt".
Khi mà người mua gặp khó thì người bán cũng lao đao, đây là tình cảnh hiện nay của những doanh nghiệp Việt tại những nước châu Âu có biên giới với Ukraine. Căng thẳng về chính trị cũng làm cho tỷ giá giữa các đồng tiền của các nước liên quan biến động mạnh, làm cho kết quả kinh doanh càng trở nên bấp bênh khó dự đoán. Đồng tiền của Ukraine mất giá tới gần 20% trong năm nay cũng là yếu tố bất lợi cho những doanh nghiệp muốn bán hàng vào nước này.