Đồ gỗ Việt chinh phục các thị trường khó tính nhờ “thẻ xanh"

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 13/08/2024 12:53 GMT+7

VTV.vn - Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC được xem là “thẻ xanh" của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường khó tính trên thế giới.

Ngành gỗ đối diện nhiều thách thức

Trong 7 tháng qua, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt gần 9,4 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ. Để đạt mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD của cả năm, trong 5 tháng cuối năm ngành gỗ cần đem về 6,3 tỷ USD. Tuy nhiên, Cục Lâm nghiệp dự báo từ nay đến cuối năm, ngành chế biến gỗ gặp không ít khó khăn.

Tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, yếu tố rủi ro gia tăng, có thể khiến nhu cầu gỗ và sản phẩm gỗ các tháng cuối năm 2024 không được như những tháng đầu năm.

Thêm vào đó là các thách thức như: Giá cước tàu tăng mạnh đẩy giá thành tăng, phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, các yêu cầu về bảo vệ môi trường, nguyên liệu gỗ hợp pháp hay cam kết giảm phát thải. Trong đó, có Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Đây là chứng chỉ do Hội đồng Quản trị rừng Quốc tế cấp và quản lý, nhằm xác minh nguồn gốc gỗ, quy trình khai thác, sản xuất theo đúng pháp luật, đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

Đồ gỗ Việt chinh phục các thị trường khó tính nhờ “thẻ xanh - Ảnh 1.

Trong 7 tháng qua, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt gần 9,4 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ.

Chứng chỉ "xanh" cho xuất khẩu lâm sản

Hiện tại một số quốc gia, chứng chỉ FSC là chứng chỉ bắt buộc nếu muốn đưa sản phẩm gỗ ra thị trường tiêu thụ. Ví dụ như Nhật Bản yêu cầu 100% sản phẩm gỗ xuất khẩu sang đây phải đi kèm chứng nhận FSC.

Tại nước ta, diện tích rừng có chứng chỉ FSC đang tăng lên trong những năm gần đây. Theo Hội đồng Quản lý rừng Quốc tế, Việt Nam hiện có khoảng 310.000 ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC, phần lớn là rừng trồng.

Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC được xem là thẻ "xanh" của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường khó tính trên thế giới. Tỉnh Quảng Trị là địa phương đầu tiên có rừng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.

Đồ gỗ Việt chinh phục các thị trường khó tính nhờ “thẻ xanh - Ảnh 2.

Rừng keo 1 ha này ông Trần Quốc Thiện - HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thủy Đông, xã Cam Thủy, Cam Lộ, Quảng Trị - đã trồng được 10 năm, đủ tuổi thu hoạch theo quy định của FSC. So với cách trồng rừng xưa nay chỉ 4 - 5 năm là thu hoạch, trồng rừng FSC mất nhiều thời gian hơn nhưng bù lại, sản lượng cao gấp đôi và giá bán gỗ FCS cao hơn gỗ thường từ 10 - 20%.

Ông Trần Quốc Thiện cho biết: "Trồng rừng mình không đốt, mật độ thưa. Mình trồng 1.650 cây/ha ban đầu, sau đó 4 năm, tỉa còn lại mật độ khoảng 900 cây/ha và nuôi dưỡng nó cho đến 10 năm thì hiệu quả nó đem lại gấp đôi".

Gỗ keo đạt chuẩn FSC của gia đình ông Thiện và các hộ trồng rừng ở Quảng Trị là nguồn nguyên liệu đầu vào của công ty Tiến Phong. Bàn ghế, giường tủ và đồ gỗ nội thất của công ty đã xuất đi các thị trường khó tính như EU, Mỹ và Canada. Mục tiêu xuất khẩu năm nay khoảng 9 triệu USD.

Ông Tạ Văn Hiền - Phó Tổng Giám đốc Công ty Tiến Phong, Quảng Trị cho biết: "Đối với vùng nguyên liệu đầu vào, để đạt quy định chuẩn của thế giới bây giờ thì tất cả 100% nguyên liệu đầu vào của công ty đều phải có chứng chỉ FSC".

Diện tích rừng trồng đầu tiên của Quảng Trị được cấp chứng chỉ FSC là vào năm 2011. Từ 8.600 ha ban đầu, nay tổng diện tích rừng FSC của Quảng Trị đã tăng lên hơn 26.000 ha. Mỗi năm, Quảng Trị cung cấp trên 50.000 m3 gỗ FSC cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh.

"Từ khâu trồng đến chăm sóc, khai thác, chế biến đều phải an toàn và phát huy được hiệu quả, lợi ích hài hòa, giữa người dân với doanh nghiệp và môi trường. Đặc biệt là giá trị khi sản phẩm này được xuất khẩu đi phải cao hơn sản phẩm bình thường từ 10 - 20%, tùy theo từng thời điểm. Nên thu nhập mang tính bền vững và ổn định", ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết.

Các thị trường khó tính ngày càng đặt ra nhiều rào cản về bảo vệ môi trường và giá trị bền vững đối với các sản phẩm từ gỗ. Nhật Bản yêu cầu 100% sản phẩm gỗ nhập khẩu phải đi kèm chứng nhận FSC. Do vậy, chứng chỉ FSC được xem là tấm vé thông hành để đồ gỗ Việt Nam chinh phục các thị trường hàng đầu thế giới.

Rừng trồng theo FSC tăng về năng suất và giá trị

Không chỉ với gỗ, mà các lâm sản như từ tre, luồng, vầu... trồng theo chứng chỉ FSC cũng sẽ tăng giá trị hơn so với thông thường. Người trồng rừng sẽ là những người được hưởng lợi đầu tiên. Bên cạnh mở rộng diện tích rừng trồng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, các địa phương cũng đang chú trọng hình thành liên kết theo chuỗi giá trị trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ gỗ rừng đã được cấp chứng chỉ.

Tổ sản xuất tre luồng bền vững bản Sại, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa có 27 hộ tham gia, quản lý hơn 40 ha rừng luồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh nên năng suất của rừng luồng được cấp chứng chỉ cao hơn từ 20 đến 30%.

Ông hà Xuân Lắng - Tổ trưởng Tổ sản xuất tre luồng bền vững bản Sại, xã Phú Lệ, Quan Hóa, Thanh Hóa cho biết: "Nhờ tham gia dự án chúng tôi được tập huấn bài bản, được hướng dẫn bón phân đúng cách nên măng mọc nhiều hơn trước. Vệ sinh môi trường cũng rất tốt so với trước chưa được tập huấn".

Đồ gỗ Việt chinh phục các thị trường khó tính nhờ “thẻ xanh - Ảnh 3.

Không chỉ với gỗ, mà các lâm sản như từ tre, luồng, vầu... trồng theo chứng chỉ FSC cũng sẽ tăng giá trị hơn so với thông thường. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.

Do được hỗ trợ chăm sóc đúng quy trình nên giá trị của diện tích rừng luồng được cấp chứng chỉ FSC đạt cao hơn từ 30 đến 35% so với diện tích rừng luồng đại trà.

"Hiện nay, diện tích rừng luồng đạt chứng chỉ FSC của huyện Quan Hóa mới chỉ được hơn 2.300 ha/27.000 ha. Để phát triển rừng FSC cần sự liên doanh, liên kết của doanh nghiệp để có vốn đầu tư vào", bà Hà Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, Thanh Hóa cho hay.

Việc liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp đang mang lại hiệu quả, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo nhờ trồng rừng. Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu từ nay đến hết năm 2025, sẽ nâng diện tích vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng lên 125.000 ha, trong đó có thêm 25.000 ha rừng trồng gỗ và 10 ha rừng tre, luồng, vầu được cấp chứng chỉ FSC.

Bên cạnh FSC, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU đang đứng trước áp lực chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Quy định về không gây mất rừng EUDR của châu Âu, sẽ thực thi từ ngày 30/12 năm nay. Đó cũng là cách để chuẩn bị nguồn nguyên liệu hợp pháp, chất lượng cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu sang các thị trường nói chung.

Xuất khẩu gỗ Việt đang rộng cửa vào Hoa Kỳ Xuất khẩu gỗ Việt đang rộng cửa vào Hoa Kỳ Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng tích cực Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng tích cực Mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD của ngành gỗ “trong tầm tay” Mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD của ngành gỗ “trong tầm tay”

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước