Theo Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh gồm: Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn.
Với kỳ vọng, các đô thị vệ tinh khi hình thành sẽ kéo các trường đại học, bệnh viện, cơ sở sản xuất công nghiệp di dời, giảm tải được dân số trong nội đô. Tuy nhiên trên thực tế 10 năm qua, các đô thị vệ tinh của Hà Nội vẫn chưa thể thực hiện được "sứ mệnh" của mình, còn khu vực nội đô vẫn đang quá tải.
Tới thời điểm này, ngoài đô thị Hòa Lạc mới manh nha thực hiện xây dựng được một phần nhỏ, các khu đô thị vệ tinh khác vẫn trong tình trạng nằm yên trên giấy. Vậy vì sao chủ trương xây dựng 5 đô thị vệ tinh đã từ rất lâu, nhưng việc triển khai dậm chân tại chỗ?
Đại lộ Thăng Long kết nối trung tâm Hà Nội với khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc. (Ảnh: NLĐ)
Nguyên nhân lớn nhất khiến việc thực hiện xây dựng các đô thị vệ tinh bị chậm suốt hơn 10 năm qua đó là việc chậm trễ trong việc lập và phê duyệt quy hoạch. Cho tới hiện tại, các đồ án quy hoạch phân khu chức năng thuộc 5 đô thị vệ tinh mới đang được nghiên cứu.
Một nguyên nhân khác cũng quan trọng không kém đó chính là Hà Nội thiếu chính sách thu hút các nguồn lực từ các nhà đầu tư, thiếu hạ tầng giao thông, dẫn đến việc các nhà đầu tư không mặn mà với việc xây dựng các đô thị vệ tinh.
Có thể thấy, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư xây dựng khu đô thị ở các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Hà Nam, Hưng Yên…, mà không phải ở Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên hay Sóc Sơn. Đây là nguyên nhân căn cốt khiến các đô thị vệ tinh chưa thể hình thành được, cũng như không di dời được trường học, bệnh viện…, càng không hút được dân số để giảm áp lực cho nội đô như kỳ vọng.
Vùng lõi "siêu đô thị vệ tinh" bị bỏ hoang
Có thể thấy, các đô thị vệ tinh được quy hoạch cách trung tâm thành phố khoảng 25 - 30 km. Đây là khoảng cách tối ưu đảm bảo tính độc lập tương đối của các đô thị vệ tinh, được kết nối với đô thị trung tâm bằng các phương tiện giao thông tốc độ cao như đường sắt đô thị, xe bus tốc độ cao… Tuy nhiên suốt 10 năm qua, những phương tiện kết nối này vẫn chưa có.
Hòa Lạc là đô thị vệ tinh lớn nhất, hình thành sớm nhất trong số 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội, cũng vì thiếu tính kết nối nhanh, mà hạ tầng tới giờ vẫn ngổn ngang, nhiều nơi bỏ hoang, chưa giống với hình dung về một khu đô thị công nghệ cao.
Hoang tàn, xập xệ, cũ nát…, thậm chí cả khu bếp phía sau nhà đã đổ sập từ lâu, nhưng suốt 15 năm qua, ông Tre (đội 7, thôn 10, xã Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội) không được phép sửa chữa nhà cửa, chỉ bởi nhà nằm trong quy hoạch khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nhà xuống cấp, nhưng ông cũng như nhiều hộ dân khác, vẫn chưa thể di dời khỏi nơi ở này vì chưa được bố trí nhà tái định cư.
"Làm đường đến đâu, phạm đâu thì chuyển đó. Chỗ nào chưa phạm thì vẫn cứ ở làm ăn, nên là cuộc sống cũng gặp khó khăn. Chỉ có đất hoặc là trồng cây, ai còn có chè thì làm. Có chỗ làm mất chè rồi thì phải chịu. Nói chung là cuộc sống bần cùng thôi chứ cũng không muốn việc này nó kéo dài đâu. Cũng muốn sự ổn định", ông Phạm Tiến Tre, đội 7, thôn 10, xã Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội, chia sẻ.
Nhiều vướng mắc về vốn, quy hoạch, diện tích chồng lấn không rõ ràng khiến vùng lõi của dự án và phần lớn diện tích bị bỏ hoang, không thu hút được các nhà đầu tư mới.
Công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng trải qua nhiều thời kỳ, nhiều chính sách khác nhau khiến hàng trăm hộ dân bị mắc kẹt trong dự án, đi không được, ở chẳng xong. Sau 15 năm, đến hiện tại, khu đô thị có quy mô tới 600.000 dân mới giải phóng được 70% mặt bằng.
"Khi nào làm trường thì mới giải phóng tất. Những chỗ làm đường thì người ta chuyển rồi. Còn tôi với các nhà ở đây không phạm vào làm đường thì vẫn phải ở", ông Phạm Tiến Tre cho hay.
"Để cản trở cái sự phát triển đô thị tự phát bằng hành lang xanh giãn cách các đô thị và tán xạ các trung tâm đô thị vệ tinh ra bên ngoài đó là một kịch bản rất đẹp. Nhưng người vẽ ấy không nghĩ đến nguồn lực đâu để thực hiện nên việc vẽ đã sai từ quy hoạch chung thì đồng loạt các quy hoạch khác cũng sai theo. Quy hoạch giao thông bây giờ cũng dở dang các trục đường giao thông, quy hoạch thoát nước cũng dở dang thoát nước, mà bây giờ chúng ta thấy mỗi một lần mưa to, cái trục mạnh nhất, luôn úng ngập nhất là Hà Nội đi Hòa Lạc", KTS. Trần Huy Ánh, thành viên Hội đồng khoa học, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, cho biết.
Tháng 5 vừa qua, toàn bộ cơ quan Đại học Quốc gia Hà Nội đã chuyển trụ sở làm việc từ nội đô tới Hòa Lạc. Theo kế hoạch, năm học mới này, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có khoảng 6.000 sinh viên tới học tập tại đây. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng vẫn ngổn ngang chưa giải phóng xong mặt bằng, phần lớn diện tích khu đô thị vẫn bỏ hoang.
Cần đẩy nhanh lập phân khu đô thị vệ tinh
Từng có chuyên gia quy hoạch đô thị nói rằng khi nguồn lực lớn từ quỹ đất trong nội đô không được sử dụng hiệu quả, Hà Nội luôn là thành phố đầu tư những dự án "đắt nhất hành tinh" nhưng lại không thu được tiền chênh lệch về đất để tái đầu tư; nhồi nhét quá nhiều dự án cao tầng vào nội đô, nhưng vẫn không thu được nhiều nguồn lực để phát triển các đô thị vệ tinh.
Đã đến lúc Hà Nội cần phải đẩy nhanh tốc độ hình thành các khu đô thị vệ tinh để quản lý sử dụng quỹ đất hiệu quả, có chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn hơn để từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và xứng tầm hơn.
Các đô thị vệ tinh được định hướng phát triển hoàn chỉnh đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội một cách độc lập và hỗ trợ, giảm tải một số chức năng cho đô thị trung tâm như: công nghiệp, giáo dục, công nghệ cao, đào tạo, y tế, du lịch, đầu mối hạ tầng kỹ thuật diện rộng..., đặc biệt, góp phần vào việc giãn dân tại khu vực nội đô Hà Nội. Để xây dựng các đô thị vệ tinh này, điều tiên quyết là Thành phố phải đẩy nhanh tốc độ lập và phê duyệt quy hoạch.
"Giá mà luật thay đổi một chút để Hà Nội làm sao bớt đi được công đoạn vừa tốn kém thời gian, tốn kém tiền bạc, đặc biệt là mất cơ hội cho các nhà đầu tư. Tôi biết các nhà đầu tư rất quan tâm đến đô thị vệ tinh, họ chỉ chờ xong thôi nhưng câu trả lời là chờ, chưa được duyệt", ông Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nói.
Ngoài việc thành phố phải tập trung nguồn lực, đầu tư hạ tầng khung để kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, các nhà quản lý cũng cần phải thay đổi cách tiếp cận, cách thu hút mời gọi các nhà đầu tư.
"Muốn trở thành đô thị vệ tinh, đầu tiên phải đánh giá nó, đánh giá cái nào có thể còn khả năng cứu vãn, cái nào không thể thực hiện được thì chúng ta phải làm rõ, hoặc đặt nó trong hình thái khác, đặt tên nó khác để nhận diện nó khác thì ứng xử đúng với chức năng của nó", KTS. Trần Huy Ánh, thành viên Hội đồng khoa học, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, nhận định.
"Cơ chế quản lý cũng cần phải được xã hội hóa và được năng động hơn bởi bộ máy kinh doanh chứ không phải bộ máy hành chính. Giá mà đó là một mô hình quản lý năng động hơn từ góc độ là một nhà đầu tư nhìn nó có lời hơn là nhìn nó hoàn thành trách nhiệm. Nhiệm vụ chính trị mà chỉ dùng tiền ngân sách, chỉ chờ tiền ngân sách làm chắc chắn là sẽ thất bại", ông Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhấn mạnh.
Việc tổ chức không gian đô thị Hà Nội theo mô hình chùm đô thị được kỳ vọng là động lực phát triển mới quan trọng cho phát triển kinh tế Thủ đô. Đây cũng là mô hình được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công, sử dụng quỹ đất một cách hiệu quả để giảm tải mật độ dân, giảm tải sức ép hạ tầng cho vùng lõi nội đô lịch sử.
Việc lập các đồ án quy hoạch phân khu chức năng tại các đô thị vệ tinh để cụ thể hóa quy hoạch chung đang được các sở, ngành thành phố Hà Nội khẩn trương thực hiện. Đây được xem là nhiệm vụ không thể chậm trễ thêm. Bởi nếu cứ kéo dài việc lập và phê duyệt quy hoạch và chưa biết tới bao giờ các đô thị vệ tinh mới thành hình thì chúng ta sẽ mất đi rất nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!